Thứ 6, 03/05/2024 21:54:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:08, 31/08/2021 GMT+7

Đừng “gieo rắc” hoang mang

Thảo Linh
Thứ 3, 31/08/2021 | 08:08:52 376 lượt xem
BPO - “Nếu biết chắc là vắc xin Trung Quốc thì về ngay, đừng tiêm nha chị” - đó là dòng tin nhắn của cô em bạn khi biết hôm nay tôi đi tiêm ngừa vi rút Corona. Hơi buồn cười vì sự quan tâm và nỗi lo thái quá của em, nhưng tôi chỉ nhắn lại nhẹ nhàng: Em yên tâm nhé! Nói là thái quá bởi em chỉ là công chức đã nghỉ chế độ và không có một chút chuyên môn nào về y - dược, vậy mà em nói cứ như mình là dược sĩ và biết rất rõ loại vắc xin nào tốt, loại nào không. Với tôi, loại vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm ngay bây giờ, dù tôi biết chắc vắc xin không phải là “tấm thẻ bài miễn trừ” đối với dịch Covid-19!

Tôi biết, lời nhắn của cô em bạn xuất phát từ tâm lý “ghét Tàu” của một bộ phận không nhỏ người Việt. Dường như với nhóm này, bất cứ thứ gì liên quan đến hai chữ “Trung Quốc” đều không đáng tin cậy. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, khi mà vắc xin đang là cứu cánh đối với mọi quốc gia trong phòng, chống dịch thì trào lưu tẩy chay vắc xin Trung Quốc cùng những thêu dệt vô căn cứ về nó có thể góp phần tạo nên sự hoảng loạn đối với người dân. Cả nước đang căng mình chống đại dịch khi các ca mắc mới có ngày vượt con số 11 ngàn người. Bởi thế, bất kể là cuộc họp, hội nghị nào Đảng, Nhà nước, Chính phủ hay Quốc hội thì nội dung tìm kiếm nguồn vắc xin để tiêm cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh ngoại giao vắc xin, các đồng chí lãnh đạo cấp cao còn yêu cầu thúc đẩy nhanh sản xuất vắc xin trong nước, bởi chỉ có vắc xin cùng với thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K thì chúng ta mới thoát ra khỏi tình thế nguy nan này. Vậy mà vẫn có những người còn chần chừ tính hơn tính thiệt tiêm loại vắc xin nào thì tốt, nhất là tư tưởng “tẩy chay” vắc xin Trung Quốc.

Lại nhớ hôm qua, tôi gọi điện hỏi thăm cô cháu gái đang chống dịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 23 giờ đêm. Phải một lúc lâu, cháu mới trả lời, giọng vô cùng mệt mỏi: Nếu dì lại hỏi về số ca tử vong thì thôi nhé, cháu không biết đâu. Biết cháu quá mệt mỏi, căng thẳng nên tôi vội trả lời: Dì lo lắng nên gọi động viên cháu chứ không hỏi chuyện gì đâu, cháu vẫn ổn chứ? Dạ, cháu ổn. Cháu xin lỗi vì mấy ngày nay cháu liên tục nhận được các cuộc gọi để hỏi xem những thông tin trên mạng là rất nhiều người tử vong tại các bệnh viện, có đúng không. Nói thật, chúng cháu chỉ biết cố gắng hết sức, tập trung cao độ để cứu bệnh nhân chứ không có thời gian để phản bác hay xác nhận những thông tin trên mạng đâu ạ. Tôi động viên cháu nghỉ ngơi sớm để còn có sức làm việc ngày mai và chủ động tắt máy.

Quả thật trên mạng Facebook mấy ngày gần đây tràn ngập các thông tin về sự chết chóc do Covid-19 gây ra tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cùng một vài nơi khác. Hình ảnh những đám tang sơ sài trong mùa dịch hay những dãy xe ba gác để dọc các con đường vắng lặng được cho là “người chết chờ đưa đi hỏa táng” cùng những dòng trạng thái vô căn cứ, cộng hưởng với sự tắc trách của một vài tờ báo chính thống trong cách giật “tít” đã gieo rắc sự hoang mang cho người đọc. Rồi những dòng trạng thái, hình ảnh ấy cứ theo những nút bấm thích, chia sẻ và bình luận đến mọi ngõ ngách, gieo thêm hoài nghi, rắc thêm sợ hãi vào một cộng đồng vốn đã hoảng loạn. Rồi cái vòng luẩn quẩn, càng sợ càng đi tìm câu trả lời, càng tìm đọc những thông tin giật gân kiểu ấy thì càng rối, càng hoảng thêm. Sự bùng phát dịch bệnh lúc này là mảnh đất màu mỡ cho mọi thứ thông tin ô hợp. Và những thông tin đánh vào tình cảm tiêu cực, như lo âu, sợ hãi rất dễ lan truyền theo cấp số nhân. Có người không hoàn toàn muốn câu view mà là do hoảng loạn nên chỉ muốn nghe, muốn đọc những gì họ muốn để củng cố niềm tin và định kiến sẵn có hơn là cái thật, cái đúng. Và cứ thế họ nhấn nút thích và chia sẻ. Đến lúc đúng - sai, thật - giả không còn là tiêu chí tiếp nhận đầu tiên nữa mà chỉ tìm những điều họ muốn đọc, muốn nghe mà thôi.

Vì hoảng loạn, nhiều người tìm sự “tư vấn” từ những người từng mắc Covid-19 và tự điều trị khỏi trên mạng. Rồi họ truyền cho nhau những “bài thuốc chống Covid-19” như: ăn tỏi, tiêu, gừng, kim chi, uống nước tía tô, phơi nắng, uống nước nóng, không ăn đồ lạnh, mang khẩu trang tẩm muối, đến sử dụng máy sấy tóc. Thậm chí có cả lời tư vấn… uống nước tiểu, vì đây là “thần dược” diệt mọi vi rút, hay uống thuốc tẩy trắng để ngăn chặn, chữa bệnh do vi rút Corona gây ra. Rợn người nhất là ở Ấn Độ, từ những hoang tin trên mạng xã hội, nhiều người tụ tập để chà xát phân bò lên thân thể và uống nước tiểu bò rồi phơi nắng… Những kẻ “đục nước béo cò” đã lợi dụng sự hoảng loạn của người dân để tạo cơ hội làm ăn. Có công ty thực phẩm lớn trong nước còn bắt tay với một trang tin để thực hiện một tuyến bài trên mạng xã hội có tên “Dinh dưỡng phòng chống Corona”. Cho dù nội dung các bài viết là dựa trên nền tảng có thật về các loại thực phẩm chức năng là tăng cường đề kháng, nhưng giữa lúc này, dùng tựa đề câu view như thế có thể xem là xuyên tạc sự thật.

Quả thật, chúng ta không thể nhắm mắt cho qua và không thể cứ “kêu gọi” không đưa những hình ảnh buồn, câu chuyện buồn lên mạng xã hội. Thế nhưng trong lúc này, mỗi cư dân mạng phải thật bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin. Cần phải mở lòng và vận trí để tiếp nhận những thông tin, dữ kiện, ngay cả khi nó ngoài sự mong đợi của chúng ta. Bởi vì, sự kinh động được tạo ra và lan truyền từ việc chia sẻ, bình luận những thông tin kinh hoàng về dịch bệnh chưa được kiểm chứng chính là căn nguyên dẫn tới sự xáo trộn xã hội, làm suy giảm kinh tế và gây thêm vô vàn áp lực lên những người thầy thuốc cùng lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm oằn mình chống dịch.    

  • Từ khóa
129135

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu