Thứ 6, 03/05/2024 19:55:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:08, 30/08/2021 GMT+7

Vi rút “kỳ thị” - nguy hiểm hơn Covid-19

Diệp Viên
Thứ 2, 30/08/2021 | 09:08:53 377 lượt xem
BPO - Không phải chỉ trong thời gian gần đây mà đã từ lâu nay, Mỹ tự cho mình là đất nước của tự do, dân chủ, văn minh, bình đẳng bậc nhất trên thế giới, là thiên đường của nhân loại. Rồi cũng từ đó, Mỹ đã tự cho mình cái quyền phán xét các nước khác về dân chủ và nhân quyền. Thực tế ở nước Mỹ có đúng như vậy hay không? Câu trả lời dứt khoát là không và xin khẳng định rằng, đó chỉ là bức màn nhằm che đậy tình trạng vi phạm nghiêm trọng về dân chủ, nhân quyền của Mỹ và các quốc gia đồng minh với Mỹ. Bài viết này sẽ là minh chứng hùng hồn cho điều đó.

Từ nhiều năm nay, tình trạng kỳ thị người gốc Á tại Mỹ, Pháp và các quốc gia châu Âu đã vượt khỏi không gian mạng, trở thành mối nguy đang treo lơ lửng trên đầu những người không phải dân bản địa ở các quốc gia này. Vì những kẻ phân biệt chủng tộc ở những nước này thường xuyên dùng lời nói và hành động mang tính kỳ thị một cách cực đoan, thậm chí tàn ác để “tấn công” trực tiếp vào những người gốc Á tại các nơi công cộng. Cụ thể là ngày 26-5-2021, Tòa án hình sự Paris (Cộng hòa Pháp) đã ra phán quyết định tội 4 sinh viên vì đã có hành vi kích động hận thù chủng tộc trên không gian mạng. 4 sinh viên này đã đăng dòng trạng thái có nội dung mỉa mai, chống người châu Á liên quan đến nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2. Trước đó, trong một vụ việc tương tự, 5 người đàn ông Pháp cũng bị xét xử vì đăng những dòng tweet mang tính đe dọa, thù hận về người gốc Á. Cùng với việc đại dịch Covid-19 gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, Pháp đang phải đối mặt với nạn kỳ thị người gốc Á gia tăng.

Ở nước Pháp, nhiều người gốc Á bị kỳ thị theo nhiều hình thức khác nhau như xa lánh trên các phương tiện công cộng, xúc phạm bằng lời nói, thậm chí hành hung. Và ngay cả những đứa trẻ gốc Á ở Pháp cũng bị bắt nạt khi bị chúng bạn gọi là “vi rút”. Theo Security for All - tổ chức đại diện cho hơn 40 hiệp hội người gốc Á ở Pháp, chỉ tính riêng trong năm 2019, cứ 2 ngày ở thủ đô Paris lại có một vụ phạm tội thù hận nhằm vào người châu Á. Đáng lo ngại hơn là sự kỳ thị người gốc Á đang giống như một loại “vi rút”, nó lây lan ra nhiều quốc gia kể từ khi đại dịch Covid-19 trở thành mối đe dọa toàn cầu. Còn ở Vương quốc Anh, theo số liệu thống kê về tội phạm hận thù của cảnh sát thủ đô London, hơn 200 vụ tội phạm thù hận chống lại những người gốc Đông Á đã xảy ra từ tháng 6 đến 9-2020, tăng 96% so với cùng thời điểm vào năm 2019. Một cuộc khảo sát ý kiến hồi tháng 6-2020 cho thấy, có tới 3/4 người gốc Hoa ở Anh từng phải hứng chịu những hành vi phân biệt chủng tộc.  

Nói đến nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị đối với người châu Á, gốc Á thì không quốc gia nào qua mặt được thực trạng ở nước Mỹ. Những con số gây giật mình về vấn đề này đã được Stop Asian American Pacific Islander - Stop AAPI, một tổ chức chuyên theo dõi các vụ chống lại người Mỹ gốc Á, đưa ra mới đây cho thấy, tội ác chống người gốc Á tại 16 trong số những thành phố lớn nhất của nước này đã tăng 164% kể từ năm 2020. Cũng theo tổ chức này, khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã ghi nhận 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á trên toàn nước Mỹ. Lăng nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, vi phạm quyền công dân… là những hình thức chính. Trong đó, hơn 40% nạn nhân là người gốc Hoa, 15% là người gốc Hàn, 8,5% là người gốc Việt và 8% là người gốc Philippines. Đa số nạn nhân là phụ nữ và con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều người gốc Á không dám lên tiếng tố cáo bởi họ lo sợ bị trả thù tàn khốc.

Cụ thể là vào ngày 16-3-2021, tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ) đã nối tiếp nhau xảy ra 3 vụ nổ súng vào 3 tiệm spa. Và vụ xả súng này đã làm rúng động cộng đồng người gốc Á tại Mỹ. Bởi vì vụ xả súng đã làm 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 người gốc Á và 4 người bị thương. Sát thủ là một thanh niên 22 tuổi và đã bị tòa án hạt Cherokee, bang Georgia tuyên phạt mức án chung thân. Sau vụ thảm sát này, nhiều chính trị gia ở Mỹ đã phải thừa nhận rằng: Thảm kịch này đã xới lại nỗi lo sợ của người Mỹ gốc Á sau một năm phải chịu đựng quá nhiều kỳ thị vì đại dịch Covid-19. Nó cũng làm bùng lên cuộc biểu tình ở bang Georgia phản đối bạo lực đối với người gốc Á. Tiếp đó, vào ngày 29-3, Sở cảnh sát New York đã công bố đoạn video rùng mình cho thấy, một đối tượng cao lớn bất ngờ hành hung một phụ nữ gốc Á 65 tuổi trên vỉa hè ngay trung tâm quận Manhattan. Nạn nhân bị đạp nhiều lần vào đầu, bụng khiến gãy xương và đau đớn ngã ra đường. Tuy nhiên, những nhân chứng ở hiện trường đã không làm gì để giúp đỡ nạn nhân. Trong lúc hành hung, đối tượng đã có những lời nói xúc phạm người phụ nữ này. 

Để tự bảo vệ cuộc sống của mình, không còn cách nào khác, những người gốc Á tại Mỹ phải tìm đến các cửa hàng súng đạn. Một thống kê mới đây tại thành phố Poway, bang California cho hay, số khách người gốc Á mua súng lần đầu tại cửa hàng trong năm 2020 tăng 20% so với năm 2019. Trước đó, văn hóa súng đạn chưa từng xuất hiện trong cộng đồng gốc Á, nhưng sau hàng loạt vụ xả súng giết người vì kỳ thị, thù ghét và phân biệt chủng tộc xảy ra, có nhiều người gốc Á đã mua súng để phòng thân. Như vậy, nguồn gốc của bạo lực mà nguyên nhân từ kỳ thị, phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ sẽ khó có thể dẹp yên. Hơn nữa, nạn phân biệt chủng tộc nói chung và đối với người châu Á, người gốc Á ở Mỹ nói riêng không phải bây giờ mới xảy ra, mà nó là một phần tất yếu lịch sử của quốc gia này. Nhiều chính trị gia của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng, đây là hành vi không chấp nhận được, nhất là trong một thế giới văn minh. Mặc dù vậy, nước Mỹ vẫn đang chìm trong nạn bạo lực.

Như vậy, sau bao nhiêu năm nỗ lực gieo rắc cái gọi là “tự do, dân chủ” kiểu Mỹ, thậm chí họ đã “xuất khẩu” thành công tới Liên Xô cũ cũng như các nước Đông Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Myanmar… thì nay nó đã quay quật trở lại chính nơi sinh ra nó là Mỹ và các nước phương Tây. Điều đặc biệt là sản phẩm “tự do, dân chủ” này có tên gọi là phong trào, với quy mô, cách thức triển khai và thực hiện… không hề khác gì nơi nó được “xuất khẩu”. Ấy vậy mà các tổ chức khủng bố, phản động như Việt Tân và một số đồng đảng của chúng vẫn trắng trợn khoe khoang về thành tựu “xuất khẩu tự do, dân chủ, nhân quyền” này. Chưa hết, những tổ chức này còn tự hào và xem nó như là thứ vũ khí ưu việt của Mỹ và một số quốc gia Tây Âu. Bằng chứng là mới đây, blogger chống cộng có tên Đỗ Ngà đã viết trên mạng xã hội rằng: Nước Mỹ ngày nay không còn là quốc gia xuất khẩu hàng hóa kinh tế, mà đã chuyển sang “xuất khẩu dân chủ, nhân quyền”. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định của một kẻ đã khiếm thính lại khiếm thị nên mới không thấy sản phẩm thiu thối này đã và đang được thế giới trả lại chính quốc.

Thế mới biết rằng, việc lựa chọn con đường phát triển là quyền của mọi quốc gia, dân tộc. Song sự lựa chọn đó chỉ thật sự trở nên có ý nghĩa và được người dân ghi nhận, đồng thuận thực hiện và tôn trọng khi nó hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, bình đẳng, công bằng và vì lợi ích của toàn dân. 

  • Từ khóa
129078

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu