Chủ nhật, 19/05/2024 09:17:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:36, 24/07/2021 GMT+7

Độc quyền hay độc miệng?

Đỗ Văn Thành
Thứ 7, 24/07/2021 | 05:36:00 361 lượt xem
BPO - Việt Nam đã kiểm soát thành công 3 đợt dịch Covid-19. Đợt dịch thứ tư bùng phát với diễn biến phức tạp và số lượng ca lây nhiễm khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Cả hệ thống chính trị lại một lần nữa vào cuộc với quyết tâm nhanh chóng khống chế nguồn lây, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc, điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước đang khó khăn thì có một bộ phận kẻ chống đối, những kẻ nhân danh là yêu nước, thương dân có các quan điểm sai trái, thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước trong phòng chống dịch Covid-19.

Bọn chúng đồng thanh kêu gào về chính sách và quy trình nhập khẩu vắc xin. Chúng bôi nhọ, nói xấu chính quyền chậm chạp, độc quyền trong nhập khẩu vắc xin ngừa Covid-19. Thậm chí có kẻ độc miệng còn nói rằng: “Chính phủ lấy lý do nhà sản xuất vắc xin chỉ đàm phán với Chính phủ, nên các doanh nghiệp dù có tiền cũng không được giúp dân”. Theo chúng thì thời điểm hiện tại là gấp lắm rồi, phải cho doanh nghiệp tham gia nếu không thì chết dân. Đặc biệt, chúng còn lộng ngôn bịa đặt “Bộ Y tế âm mưu trục lợi bằng cách cho doanh nghiệp sân sau độc quyền thao túng thị trường nhằm thu lợi hoặc tạo điều kiện cho Nhà nước ăn tiền trên xương máu của nhân dân”.

Vậy Nhà nước có độc quyền mua vắc xin phòng Covid-19 hay không? Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng khẳng định trong các cuộc họp với Bộ Y tế công khai trước báo chí: “Bây giờ làm sao phải tiếp cận được nguồn vắc xin, động viên tất cả mọi doanh nghiệp, mọi thành phần, ai có thể tiếp cận được nguồn vắc xin sớm nhất đều phải thúc đẩy để có vắc xin sớm nhất”. Có thể thấy trong phát biểu nêu trên, không một câu, một chữ nào nhắc đến việc chỉ có Bộ Y tế mới được tiếp nhận mua vắc xin và cũng chẳng có một từ nào nói không cho phép doanh nghiệp hoặc bất kỳ thành phần nào tiếp cận nguồn vắc xin.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định: Bộ Y tế được giao là đầu mối nhập khẩu vắc xin nhưng không có nghĩa là độc quyền nhập khẩu. Các địa phương, doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận nguồn vắc xin đều được nhập khẩu. Tuy nhiên, tội phạm quốc tế đang lợi dụng tình hình khan hiếm của thị trường để lừa đảo vắc xin với đủ thứ vỏ bọc. Chúng tự nhận là đại diện của các nhà sản xuất để chào bán và nhận cọc. Vì vậy, Bộ Y tế thường xuyên xác minh thông tin và cảnh báo tình trạng lừa đảo vắc xin đối với doanh nghiệp, địa phương và nhân dân. Bởi lẽ, nếu chúng ta không cẩn trọng trong việc mua vắc xin thì thiệt hại về kinh tế và con người khó có thể cân đong, đo đếm được.

Đây cũng chính là lý do Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì việc nhập khẩu vắc xin. Và cần nhấn mạnh lại là, chủ trì chứ không phải độc quyền như một số kẻ “ngứa miệng” xuyên tạc. Trên thực tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ban, ngành, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc xin ngừa Covid-19 để sử dụng cho người dân nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.

Bộ Y tế cũng tạo điều kiện tối đa cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện. Đây là những minh chứng cho thấy có hay không việc độc quyền mua vắc xin.

Còn có hay không việc Nhà nước chậm nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 thì xin thưa, những “nhà yêu nước, thương dân” bằng cái miệng, từ những ngày “các ông, bà” còn chưa biết đeo khẩu trang thế nào là đúng cách, Chính phủ Việt Nam đã họp bàn tính toán đến phương án nhập khẩu, cung ứng và phân bổ vắc xin, nếu tìm được nguồn mua. Chiến lược vắc xin đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao. Từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã quan tâm chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức ngoại giao song phương hay đa phương, các diễn đàn hay viết thư cho các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp sản xuất vắc xin với mục đích làm thế nào để Việt Nam tiếp cận càng sớm và càng nhiều vắc xin càng tốt. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã vào cuộc rất nhanh chứ không hề chậm chạp như các lời rao giảng của các phần tử chống đối, phản động.

Ngày 10-7 vừa qua, chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 toàn quốc chính thức được phát động. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại nước ta. Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 lần này là: vắc xin phải được tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và công bằng, công khai. Với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành liên quan trong ngoại giao vắc xin năm 2021, Việt Nam có được 105 triệu liều vắc xin, tiến tới đạt 150 triệu liều vào đầu năm 2022 và việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ, có kết quả bước đầu tích cực. Riêng trong tháng 7 sẽ có hơn 9 triệu liều vắc xin về đến Việt Nam. Còn theo số liệu của Bộ Y tế, hiện đã thực hiện tiêm chủng được khoảng 4 triệu liều vắc xin. Toàn bộ số vắc xin tiếp nhận đã được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên các tỉnh, thành phố đang có dịch, thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ, có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đông công nhân và dân cư các tỉnh, thành phố có biên giới giao lưu, đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế là nòng cốt, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, chính quyền địa phương tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình. Đặc biệt, trong thời gian tới lượng vắc xin về nhiều, các cơ quan cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng đảm bảo nhanh, kịp thời, an toàn và hiệu quả.

Khi những kẻ nhân danh yêu nước, thương dân đang tích cực chống dịch bằng miệng mà chẳng làm được bất kỳ hành động nào cụ thể, chẳng mua nổi một giọt vắc xin cũng chẳng giúp gì được từ một chiếc khẩu trang, một lọ dung dịch sát khuẩn hay hỗ trợ ai về kinh tế để chống dịch, thì Nhà nước ta đang từng ngày, từng giờ, từng phút nỗ lực hết mình vì sự bình an của người dân. Chiến dịch lịch sử đã được phát động với sự đoàn kết, đồng lòng, thống nhất cao từ trên xuống, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch.                                                                            

  • Từ khóa
127097

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu