Chủ nhật, 19/05/2024 06:53:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:00, 23/06/2021 GMT+7

Khát vọng phát triển đất nước

H.L
Thứ 4, 23/06/2021 | 05:00:00 297 lượt xem
BPO - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Tuy nhiên, trong quá trình dự thảo các văn kiện và kể cả khi đại hội đã thành công rực rỡ, vẫn còn có những ý kiến cho rằng: Đảng ta đặt ra mục tiêu, tầm nhìn như vậy là “viển vông”, là “hô hào mị dân”, “chủ quan, duy ý chí”, là “phiến diện”, “không có cơ sở khoa học”, “ngẫu hứng” và “không thể thực hiện được” trong bối cảnh, tình hình hiện nay. Những luận điệu này đều là cách nhìn thiển cận, nhằm mục đích đen tối, cần phải được phản bác mạnh mẽ bằng một số lý do trọng tâm sau:

Trước hết, ngay từ Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII - tháng 10-2018), Đảng ta đã quyết định thành lập tiểu ban văn kiện để chuẩn bị các văn kiện của Đại hội XIII hết sức kỹ lưỡng; văn kiện được đưa ra công khai toàn văn, được thảo luận tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn; đã xin ý kiến rộng rãi trong và ngoài Đảng, nhân dân trong nước và kiều bào ngoài nước… Đảng ta đã tiếp nhận hàng triệu lượt ý kiến đóng góp; các cơ quan khoa học đã gửi hơn 80 bản góp ý đề xuất, được tổng hợp lại thành 1.410 trang và tóm tắt thành hơn 200 trang để trình ra đại hội. Tiểu ban văn kiện đã tổ chức 20 phiên họp với 23 lần chỉnh sửa văn kiện. Vì thế, các văn kiện của Đại hội XIII nói chung, mục tiêu phát triển và tầm nhìn của Đảng trong các văn kiện này nói riêng, là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thống nhất giữa ý Đảng - lòng dân, chứ không phải là sự “ngẫu hứng”, “hão huyền”.

Thứ hai, bằng mọi cách, chúng vẫn cố chứng minh “định hướng XHCN” là thừa, là “vô nghĩa”. Một số kẻ lại lớn tiếng: chỉ cần đặt vấn đề xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh là đủ và ở chừng mực nào đó, chưa cần đề cập tới “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chung quy lại, các ý kiến, lập luận nêu trên, dù ở góc độ nào thì mục tiêu của chúng vẫn không gì khác là nhằm phủ định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là định hướng xã hội chủ nghĩa để hướng lái nước ta theo quy định của chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó, Việt Nam đang được xem là câu chuyện thành công của thế giới khi tăng trưởng kinh tế luôn trong tốp đầu suốt thập niên vừa qua. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân chỉ đạt 4,4%/năm; đến giai đoạn 1991-2011 đạt 7,34%/năm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, GDP luôn tăng trưởng ở mức 6,5-7%.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo ra một “câu chuyện huyền thoại” trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 là 0,704, xếp thứ 117 trong tổng số 189 nước, tức trong nhóm các nước có chỉ số HDI ở mức cao và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Điều đó khẳng định cho đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn.

Thứ ba, thực tiễn Việt Nam sau 35 năm đổi mới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng rộng mở, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường. Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và thiết chế hợp tác đa phương, có vai trò, tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Và tại Đại hội XIII, Đảng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ để đặt ra khát vọng hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn sắp tới”.

Hơn nữa, trong lịch sử 91 năm qua, Đảng ta đã luôn thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội nhưng hết sức linh hoạt trong từng bối cảnh cụ thể. Tầm nhìn đúng đắn của Đảng là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định, đưa đến những thành tựu vĩ đại trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xây dựng đất nước hiện nay. Việc Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu, tầm nhìn đó thể hiện rõ sự kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng kể từ khi ra đời đến nay chứ không hề là “ngẫu hứng” hay “chủ quan, duy ý chí”.

Thứ tư, trong báo cáo “Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam”, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Cùng với đó, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh của Vương quốc Anh (CERB) mới đây cũng công bố “Báo cáo về triển vọng phát triển của 193 nền kinh tế trên thế giới đến năm 2035”. Trong đó, kinh tế Việt Nam có thể sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á vào năm 2035. Ngoài ra, trong báo cáo kết quả nghiên cứu “Thế giới năm 2050” với tựa đề “Trật tự thế giới toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?” của Tập đoàn kế toán, kiểm toán hàng đầu thế giới - PwC (PricewaterhouseCoopers): tính theo sức mua tương đương (PPP), từ vị trí 32 (năm 2016), nền kinh tế Việt Nam sẽ xếp hạng 29 vào năm 2030 và lọt tốp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050 (xếp ngay trên Italia và Canada).

Đặc biệt, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tháng 1-2021: Năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kết thúc năm 2020, nếu tính theo PPP, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt đến 1.050 tỷ USD và GDP bình quân đầu người phải đạt trên 10.000 USD (tức là gần gấp 3 lần so với đánh giá của chúng ta). Do đó, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có mức thu nhập cao (18.000 USD) là hoàn toàn khả thi và có cơ sở khoa học, không hề “viển vông” như các thế lực thù địch rêu rao.

Tóm lại, những luận điệu hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch xuyên tạc về mục tiêu, tầm nhìn của Đảng ta trong định hướng phát triển đất nước không chỉ gây ra sự ngộ nhận của một bộ phận nhân dân mà trên hết, nó trực tiếp cản trở quá trình xây dựng, phát triển một đất nước. Những mục tiêu, tầm nhìn đó có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn; việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu đó là những nấc thang đưa dân tộc ta đến với chủ nghĩa xã hội. Cần nhận diện, kịp thời đấu tranh, phản bác, loại bỏ những lập luận suy diễn của chúng ra khỏi đời sống tinh thần của xã hội trong quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

  • Từ khóa
125296

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu