Chủ nhật, 19/05/2024 07:07:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:23, 09/06/2021 GMT+7

Nền dân chủ thực sự

Thanh Quang
Thứ 4, 09/06/2021 | 05:23:00 252 lượt xem
BPO - Đã thành căn bệnh trầm kha thâm căn cố đế, ăn vào máu nên các thế lực thù địch, phản động luôn luôn xuyên tạc, bịa đặt, thậm chí vu khống, hạ thấp uy tín, hình ảnh của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Chúng lợi dụng từng câu nói, lời phát biểu, hành động nhỏ nhất của các lãnh đạo để tuyên truyền, rêu rao, cổ xúy, kích động chống phá.

Mới đây, trên trang facebook Việt Tân, kẻ trở cờ Nguyễn Đình Cống đăng tải bài viết “Phản biện một câu nói”, lợi dụng phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong một buổi tiếp xúc cử tri “Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân, nhưng dân chủ tào lao đất nước sẽ loạn” để xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó có những luận điệu hết sức lố bịch như: “Câu ấy vừa nghe qua thì thấy đúng và hay, lừa được những người nhẹ dạ cả tin”, “Nhân dân Việt Nam hiện có 3 tầng lớp, một là tầng lớp trên, được chế độ ưu đãi, họ luôn luôn ủng hộ và bảo vệ chế độ. Hai là tầng lớp bình dân, họ có nhu cầu cơ bản là được yên ổn để sinh sống và làm ăn, họ chủ yếu nghe theo chính quyền, sợ chính quyền, không dám nói khác ý chính quyền. Ba là tầng lớp trung lưu, trong đó có những người trí thức, họ có nhu cầu cao về tự do, dân chủ. Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân. Phải chăng chỉ xem trọng ý kiến của tầng lớp trên và tầng lớp bình dân, còn phớt lờ phần lớn ý kiến của tầng lớp trung lưu và ai có ý kiến phản biện thì bị cho là thế lực thù địch, bị bắt bớ, tra tấn, tù đày”.

Phải khẳng định ngay rằng, đây là những luận điệu hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt nhằm hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bởi vì thứ nhất, hoàn toàn không có chuyện mị dân, lừa gạt “những người nhẹ dạ cả tin” như chúng đang rêu rao. Đảng ta từ trước tới nay luôn luôn lắng nghe những ý kiến phản biện của nhân dân, luôn tôn trọng những ý kiến trái chiều, “khó nghe” của nhân dân, vì vậy đã củng cố được niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Ngày nay, với một nền tảng thông tin đại chúng, mạng xã hội rất phát triển cùng hơn 70% người dân dùng internet, nhận thức của người dân đã rất cao thì làm sao có chuyện những khuất tất của chính quyền qua mắt được nhân dân. Ngay từ xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Nhân dân là tai mắt của chính quyền. Những chuyện khuất tất của một vài cán bộ, những chuyện tiêu cực của một tập thể nào đó làm sao qua mắt được nhân dân, cuối cùng cũng bị nhân dân phanh phui, tố cáo. Với tư cách là người đứng đầu đất nước, nguyên thủ quốc gia, không lẽ Chủ tịch nước lại đi lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Bọn chúng đã hàm hồ, hoàn toàn vu khống, “cả vú lấp miệng em”; đã đánh giá quá thấp trình độ dân trí của nhân dân Việt Nam chúng ta rồi.

Thứ hai, khẳng định Việt Nam có ba tầng lớp nhân dân là cách nói hàm hồ, mù quáng. Rõ ràng, trong tất cả văn kiện, Đảng ta đều khẳng định ở Việt Nam hiện nay có giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, hoàn toàn không có một văn kiện nào chia ra tầng lớp trên, tầng lớp trung lưu và tầng lớp bình dân. Mang danh nghĩa phản biện lại phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhưng thực chất đều làm mưu đồ bôi nhọ, hạ thấp uy tín của cá nhân Chủ tịch nước; chúng cố tình dựng chuyện “ba tầng lớp nhân dân” trong bài viết của mình nhằm mục đích sâu xa nhất là chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ khối liên minh công - nông - trí mà chúng ta đã dày công vun đắp từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công đến nay.

Thứ ba, bọn chúng cho rằng, nhân dân một là sợ chính quyền, hai là tâng bốc chính quyền. Cả hai luận điệu này đều thật nực cười. Bởi vì, đối với những người có nhận thức, học thức, họ là những tinh hoa của chế độ, những kiến thức của họ rất cần cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên chúng ta phải trân trọng họ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ cống hiến tài năng, trí tuệ của mình. Với những người lao động bình thường, họ là những người trực tiếp biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hiện thực, là người thực thi quá trình kiến thiết đất nước, nên họ là một lực lượng đặc biệt quan trọng, biến các mục tiêu trở thành hiện thực. Chúng ta đã và đang có rất nhiều chính sách để phát triển nguồn lao động chất lượng cao, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Chúng ta không tô hồng, nhưng những thành tựu đạt được trong bảo đảm nhân quyền, quyền con người ở Việt Nam được cả thế giới ghi nhận. Vì vậy, không phải vô cớ mà chúng ta được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cực kỳ cao. Đương nhiên, dân chủ ở Việt Nam là dân chủ có tổ chức, dân chủ trong khuôn khổ pháp luật. Kẻ nào vi phạm quyền dân chủ của người khác, hay lợi dụng dân chủ để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hoặc có các hành vi dân chủ vô tổ chức, vô chính phủ, dân chủ quá trớn đều là những lực cản đối với sự phát triển của đất nước, cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ.

Thứ tư, ở các nước phát triển, một số ít người đang nắm vận mệnh của quốc gia. Vì vậy, họ được coi là giới tinh hoa, rất được các đảng cầm quyền coi trọng. Chẳng hạn bên Mỹ, chỉ một số ít các nhà doanh nghiệp gốc Do Thái cũng có thể tác động đến chính sách kinh tế quốc gia. Các nhà tài phiệt có thể chi phối chính trường Mỹ hay làm thay đổi chính sách đối nội, đối ngoại của đảng cầm quyền. Nền dân chủ của các quốc gia tư bản phương Tây còn rất nhiều vấn đề như nạn phân biệt chủng tộc, nạn bài Á, bạo lực tràn lan.

Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Hệ thống quyền lực ở các nước phương Tây vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào "99 chống lại 1" diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản.

Như vậy, từ những phân tích nêu trên có thể thấy, không phải nền dân chủ ở các nước phương Tây là hình mẫu cho thế giới ngày nay. Việt Nam là nước đang phát triển, song chúng ta luôn luôn quan tâm bảo đảm tốt dân chủ, nhân quyền cho nhân dân. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ các hành vi dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức, vô kỷ luật, vì đó là những lực cản đối với sự phát triển của đất nước.

  • Từ khóa
124632

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu