Chủ nhật, 19/05/2024 07:38:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:10, 05/06/2021 GMT+7

Như thế là nối giáo cho giặc

Nhật Minh
Thứ 7, 05/06/2021 | 05:10:00 669 lượt xem
BPO - Ở Việt Nam, cây vải được trồng nhiều tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương. Trái vải với hương vị đặc trưng, thơm, giòn, ngọt thanh nên được rất nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, giá trị của loại trái cây này còn ở chỗ nó có tác dụng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, phòng chống ung thư, hỗ trợ tiêu hóa, giúp xương khỏe mạnh, chống lão hóa, chống lại các gốc tự do,… và giúp bạn có làn da đẹp, suối tóc óng ả. Vì vậy, trái vải có giá trị xuất khẩu cao trong nhiều năm qua. Hiện nay, người trồng vải ở các địa phương nói trên đang bước vào vụ thu hoạch. Đây cũng là dịp để các tổ chức, cá nhân có tư tưởng phản động, thù địch với Đảng và Nhà nước ta lợi dụng để chống phá. Bởi bản chất của chúng là không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào để ngăn cản người dân cũng như đất nước Việt Nam có được cuộc sống giàu đẹp.

Bằng chứng là vào lúc 23 giờ ngày 27-5-2021, trên facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân có đăng bài “Bắc Giang: Rơi cả nước mắt vì bị ép giá mùa vải còn 2k/1kg”. Nội dung bài viết này như sau: “Hôm nay mình có đi bán một chuyến vải ở địa chỉ này, đối diện bờ Sông Kim. Lợi dụng lúc trưa ế hàng họ ép giá mình xuống 8 k và bắt mình cùng rất nhiều người đứng đợi để cân. Đợi được khoảng một tiếng thì họ ra trả giá lại xuống còn 6 k. Mình vẫn đồng ý bán vì giờ đó không còn ai mua nữa cả. Tiếp tục đợi thêm một tiếng nữa và cuối cùng xếp hàng được vào cân, nhưng họ ra chê lên chê xuống và chốt một câu là 2 k bán thì bán không bán thì thôi. Cuối cùng phải cho nguyên một sọt vải gần 3 tạ cho chị người quen vì ức chế quá không bán được. Dịch cực khổ này biết sống sao đây? Chưa bao giờ quả vải Bắc Giang lại rẻ rúng như thế. 8 k một cân vải, chẳng thể nào làm chúng ta nghèo đi, nhưng có thể là cứu cánh cho hàng nghìn người nông dân đang khốn đốn. Ừ thì tiền quan trọng, nhưng tiền chưa bao giờ là tất cả. Đồng bào mình, sức khỏe của mình vẫn đáng quý hơn chứ?”.

Mới xem qua nội dung bài viết nêu trên ai cũng tưởng là thật. Nhưng đọc kỹ lại mới thấy rất nhiều điều vô lý. Ngay từ câu đầu, bài viết cho biết “Hôm nay mình có đi bán một chuyến vải ở địa chỉ này, đối diện bờ Sông Kim”. Như vậy, người viết - tức tác giả, cũng chính là người trong cuộc, người đi bán vải. Đến đây, người đọc tinh ý sẽ biết là Việt Tân đăng lại status của một ai đó. Thứ hai là, hiện nay đang thời điểm bắt đầu vào mùa vải, nên không thể nào có chuyện vải Bắc Giang chỉ có 2 ngàn đồng/kg, trừ loại bị sâu, bị thối dùng để ủ làm phân hữu cơ. Thứ ba là ở Việt Nam, từ thượng cổ cho tới nay chẳng nơi nào có cái sọt mà đựng được 3 tạ vải, vì nó quá to, quá nặng không thể vận chuyển bằng phương tiện thô sơ từ vườn ra chợ. Thứ tư là đã từ lâu rồi, quả vải ở Bắc Giang thuộc loại hàng đặc sản, được trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Có nghĩa là từ đầu vào đến đầu ra của quả vải được thực hiện theo một quy trình khép kín giữa người trồng và cơ sở thu mua hoặc doanh nghiệp. Vì thế không thể có chuyện bán quả vải phải xếp hàng chờ người đến mua…

Quả đúng là như vậy, trưa 27-5-2021, chủ tài khoản facebook có tên “Minh Leo” đã đăng nội dung phản ánh việc ép giá của một điểm cân vải tại thôn Kim 1, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thu mua vải sớm với mức 2 ngàn đồng/kg. Ngay sau khi nội dung nêu trên được đăng tải, đại diện các cơ quan chức năng của huyện đã cử cán bộ đến điểm cân mà chủ tài khoản facebook “Minh Leo” thông tin để kiểm tra, tìm hiểu. Được biết, chủ điểm cân vải là bà N.T.H, sinh năm 1971, ngụ thôn Kim 1, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn. Quá trình làm việc, bà H cho biết, ngày 27-5, gia đình có tổ chức thu mua vải thiều sớm tại thôn Kim 1. Tuy nhiên, mức giá mà gia đình thu mua cao hơn rất nhiều lần so với phản ánh trên facebook; đồng thời khẳng định không có tình trạng ép giá người dân đến bán vải. Sau đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra, đối chiếu sổ cân vải thiều ngày 27-5 của gia đình bà H và không phát hiện bất kỳ mã cân nào có giá 2 ngàn đồng/kg.

Cũng cùng ngày, cơ quan chức năng đã làm việc với chủ tài khoản facebook “Minh Leo”. Người này có tên thật là L.V.M. Anh M đã thừa nhận sử dụng facebook cá nhân để đăng tải nội dung gây hiểu nhầm về giá vải Lục Ngạn, gây hoang mang trong nhân dân về việc tiêu thụ vải. Anh M đã nhận thức được hành vi của mình và gỡ bài viết, đính chính lại thông tin, cam kết sẽ không tái phạm. Tuy nhiên, hành vi của anh M đã vi phạm quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể, đây là hành vi “Cung cấp, chia sẻ bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân,…”. Vì vậy, cơ quan chức năng đã xử phạt anh M số tiền 5 triệu đồng (do anh M có tình tiết giảm nhẹ: tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi).

Đến đây thì bộ mặt thật của Việt Tân đã lộ rõ nguyên hình. Thứ nhất, Việt Tân đăng lại status của anh M, nhưng không đăng đúng nguyên văn. Đã vậy, Việt Tân còn sửa đổi bằng cách thêm mắm, thêm muối cho sự việc nghiêm trọng hơn. Thứ hai, Việt Tân đã giật tít bài viết hoàn toàn sai sự thật, rằng: “Bắc Giang: Rơi cả nước mắt vì bị ép giá mùa vải còn 2k/1kg”. Trong khi thực tế đã được chính anh M thừa nhận là: vải của anh kém chất lượng nên cơ sở thu mua không nhập hàng. Thứ ba, sau khi thông tin nêu trên được các cơ quan chức năng làm rõ và phản hồi thông tin trên mạng xã hội, đồng thời, chính anh M đã công khai nhận lỗi trên mạng xã hội, nhưng Việt Tân vẫn cố tình làm ngơ để đăng tải bài viết sai sự thật. Như vậy, mục đích của Việt Tân khi cho đăng tải thông tin nêu trên đã rõ. Vì bản chất của tổ chức khủng bố này luôn luôn lợi dụng cơ hội là ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Vấn đề đặt ra sự việc này là ở Việt Nam không chỉ có Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương mới có những vùng trồng trái cây đặc sản. Bình Phước cũng là vùng có nhiều loại nông sản nổi tiếng như hạt điều, hồ tiêu, cà phê và đặc biệt là cao su. Vì thế, rất mong mỗi người dân cần tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội. Bài học cho mọi người sau sự việc này là đừng bao giờ tự lấy đá ghè chân mình như anh M. Nguy hiểm hơn nữa, nếu những thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá như vụ việc nêu trên, thì anh M đã vô tình “nối giáo cho giặc”.

  • Từ khóa
124451

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu