Thứ 6, 10/05/2024 21:56:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:09, 11/05/2021 GMT+7

Đừng xát muối vào nỗi đau

Diệp Viên
Thứ 3, 11/05/2021 | 08:09:39 722 lượt xem
BPO - Ngày 3-5-2021, trên facebook “Người công giáo” có đăng toàn văn bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Nam Phong, với tựa đề: “Hãy trả lại tên cho em: Tên em là Nguyễn Văn Nhã”. Bài viết này đăng tải trên facebook cá nhân của chính tác giả Nguyễn Ngọc Nam Phong - là linh mục từng có thời gian dài mục vụ tại Dòng chúa cứu thế Thái Hà, Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội và hiện đã được Tỉnh dòng thuyên chuyển về hoạt động tại trụ sở chính ở số 38, Kỳ Đồng, TP. Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải trên facebook đã gây bức xúc trong cộng đồng mạng và không ít người lập tức phê phán gay gắt đối với tư tưởng của tác giả thể hiện trong bài viết. Thậm chí không ít người đã trực diện “ném đá” vào vị linh mục này. Trong phần bình luận, tài khoản có tên Quang Đăng đã viết: Cha Phong không thể vơ đũa cả nắm như vậy được. Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhận sự hi sinh, đóng góp của mọi công dân, bất kể họ theo tôn giáo nào. Cha Phong rõ ràng đang cố tình đánh lận con đen nhằm kích động tư tưởng chống nhà nước. Còn tài khoản có tên Elysia Emmanuel, tuy viết ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc: Mong Cha sống sao cho đúng với 2 chữ linh mục và là người Công giáo.

Tiếp đó, tài khoản Thạch Lam đã viết: Linh mục Phong dù mang tiếng là chức sắc Công giáo nhưng suy nghĩ lại vô cùng ấu trí và thiếu hiểu biết. Báo chí họ không viết đủ tên em Nhã là có lý do của họ. Đúng là tư tưởng hằn học thì tìm mọi cách để bôi xấu đất nước. Và tài khoản Sang Trương Minh viết: Cha đừng nên động vào nỗi đau của gia đình họ nữa, gia đình họ đã đau khổ lắm rồi. Đừng lấy mất mát, đau buồn của người khác ra làm trò nữa Nguyễn Ngọc Nam Phong ơi!...

Thực ra không chỉ có cộng đồng người công giáo ở trong nước và nước ngoài, mà từ nhiều năm nay, người dân Việt Nam đều đã biết đến tên tuổi cũng như hành vi của vị linh mục này. Vì đã từ rất lâu nay, Nguyễn Ngọc Nam Phong có những hành vi chống phá chế độ, phá hoại đất nước, xúc phạm lãnh tụ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nguy hiểm hơn, ông ta còn biến nhà thờ thành nơi chứa chấp các đối tượng chống đối, đồng thời lợi dụng các bài giảng trong cái gọi là “Thánh lễ Công lý và Hòa bình” để gieo rắc những tư tưởng cực đoan, thù địch, đối đầu với chế độ. Từ đó kích động giáo dân tiến hành các hoạt động gây bất ổn xã hội, mất an ninh trật tự. Điều này không khó kiểm chứng nếu vào Facebook cá nhân của Nguyễn Ngọc Nam Phong hay trang Truyền thông Thái Hà hoặc theo dõi các bài giảng của vị linh mục này trên các trang mạng xã hội. Chính vì vậy, trên trang “Người con đất mẹ” đã viết rằng: Nguyễn Ngọc Nam Phong - kẻ không thể mất dạy hơn nữa! Còn trang “Chống luận điệu xuyên tạc” thì viết: Những rác rưởi, cặn bã được phun ra từ mồm miệng của Phong là cực kỳ nguy hiểm đối với xã hội, bởi nó tác động trực tiếp tới nhận thức của giáo dân thông qua công cụ quen thuộc là thần quyền, giáo lý. Nguyễn Ngọc Nam Phong - chân tướng của kẻ chủ chăn phản Chúa.

Trở lại với bài “Hãy trả lại tên cho em: Tên em là Nguyễn Văn Nhã”, Phong đã viết: “Cái chết vì tha nhân của em Nguyễn Văn Nhã (Quỳnh Lưu, Nghệ An) khi cứu sống ba người bạn đã được cộng đồng thương cảm và quan tâm. Ở Bình diện quốc gia, mới đây, ông Chủ tịch nước đã đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho em. Tất cả sự quan tâm đó là sự an ủi đối với gia đình em, một gia đình đầy bất hạnh với một người cha bị tai biến, một người anh bị câm và một người mẹ suốt ngày tần tảo để nuôi sống gia đình.

Vậy mà, thay vì gọi đúng tên em: Nguyễn Văn Nhã, một số tờ báo lớn như Lao động, Tuổi Trẻ, Sài Gòn… lại che đi cái tên của em. Họ chỉ viết “Nguyễn Văn N” hay “Nguyễn Văn Nh”. Em đâu có phải là tội phạm để phải che tên em như vậy? Em là một người hùng, một tấm gương sáng, một thanh niên ngoan ngoãn, hiếu học, một người vừa cứu sống ba mạng người!

Em xứng đáng được mọi người vinh danh để trở nên gương sáng trong một đất nước đây vô cảm này. Hay, vì em là người Công giáo nên phải che tên em như vậy? Hãy trả lại tên cho em: em tên là Nguyễn Văn Nhã”!

Sự việc xảy ra vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 30-4, Nguyễn Văn Nhã, sinh viên năm 4, ngành Công nghệ thông tin, Trường đại học khoa học Huế, cùng nhóm bạn về thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang tắm biển. Khi đang tắm, Nhã nghe tiếng kêu cứu của 3 bạn nữ ở cách bờ khoảng 10m nên lao ra ứng cứu. Sau khi kéo được 2 bạn nữ ra khỏi vùng nước sâu và đưa vào bờ an toàn, Nhã tiếp tục cứu nữ sinh còn lại. Đẩy được nữ sinh này vào vùng an toàn, Nhã đuối sức và chìm dần. Khoảng 30 phút sau, thi thể nam sinh được tìm thấy. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn và thăm hỏi gia đình Nhã, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng xem xét trình Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm và xem xét công nhận nam sinh là liệt sĩ.

Với người Công giáo nói riêng và người Việt Nam nói chung, trước sự ra đi một cách đột ngột của ai đó đều là sự mất mát không thể bù đắp đối với gia đình, người thân. Tuy nhiên, cũng có những cái chết đi vào bất tử, cũng có cái chết là mầm của sự sống và điều này hoàn toàn đúng với trường hợp em Phê rô Nguyễn Văn Nhã. Thế nhưng mượn sự việc này, Phong đã cố tình quên đi phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt Nam ta từ xưa đến nay. Đó là một khi đã kính trọng hay tôn vinh ai thì ít khi người ta nói hay gọi tên thật của họ (ông bà xưa gọi là tên cúng cơm). Thậm chí có nhiều gia đình còn kiêng kỵ việc nói, gọi và thậm chí đặt tên cho con, cháu giống với tên của ông bà, cha mẹ, nhất là với tổ tiên hoặc người mới qua đời. Hơn nữa, từ góc độ cá nhân, việc không ghi đầy đủ tên em cũng là cách thể hiện tình cảm mà người viết báo dành cho em và gia đình của em. Bởi lẽ chẳng một ai muốn em ra đi nhưng nếu nhắc tên em nhiều trên mặt báo thì sẽ lại là vết cắt cứa vào tâm can của những người đang còn sống.

Với tư tưởng phản động và lòng hận thù, linh mục Phong đã mượn sự việc này để trực tiếp vu khống một số cơ quan báo chí đưa tin đã không viết tên đầy đủ là bởi vì lý do, em “là tội phạm” hay “là người Công giáo”. Với điều này, ông ta không phải là vô tình mà đã cố ý xát thêm muối vào nỗi đau của người thân trong gia đình em. Chỉ vì một điều nhỏ nhặt vậy mà một vị chủ chăn đã vội vàng tung lên mạng xã hội để người đời bình luận rồi “ném đá” thì quả là không đáng, không xứng. Xin nhớ rằng, em cứu người không phải để được khen thưởng, được tôn vinh, cũng không phải để được viết hay gọi đúng tên. Vậy đừng lấy sự ra đi của một người có nghĩa cử cao đẹp để thể hiện sự hẹp hòi, ti tiện và ích kỷ trong suy nghĩ của cá nhân mình.                  

  • Từ khóa
123340

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu