Thứ 6, 10/05/2024 18:43:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 07:44, 06/04/2021 GMT+7

HRW - đội lốt nhân quyền

Nhật Minh
Thứ 3, 06/04/2021 | 07:44:00 344 lượt xem
BPO - Vào giữa tháng 1 hằng năm, Tổ chức theo dõi nhân quyền - HRW - lại tung ra cái gọi là “Báo cáo về nhân quyền thế giới hàng năm” hay còn gọi là “Phúc trình Thường niên”. Và đã có không ít quốc gia trên thế giới cho rằng, HRW mắc một chứng bệnh kinh niên không có thuốc chữa. Vì cứ vào thời điểm này, HRW lại tự khoác “chiếc áo quan tòa” rồi phán xét vấn đề quyền con người ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong báo cáo năm 2021 không có gì mới. Đó vẫn là những cáo buộc vô căn cứ về cái gọi là “Việt Nam gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản”; hay cái gọi là “Việt Nam lo sợ dân chủ, truyền thông độc lập và các quyền tự do”.

Trong báo cáo này, HRW đã nhắm mắt nói liều rằng: Chính quyền Hà Nội đã gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2020, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và quyền lập hội. Nhà cầm quyền cũng chặn đường kết nối tới các trang mạng độc lập về chính trị, và gây sức ép buộc các công ty truyền thông xã hội phải gỡ bỏ các tài khoản, bài đăng hay đoạn clip ghi hình có nội dung phê phán chính quyền. Tháng tư, chính quyền chặn đường truy cập tới các máy chủ địa phương (local cache server) của Facebook và yêu cầu công ty này gỡ bỏ các trang do các nhà bất đồng chính kiến điều hành. Facebook, thỏa hiệp trước sức ép, đã đồng ý hạn chế đường truy cập tới các trang ở trong nước Việt Nam, tạo thành một tiền lệ đáng lo ngại…

Về những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước, trong báo cáo HRW đã viết: Trong tháng tư, công an bắt cựu tù nhân chính trị Trần Đức Thạch vì liên quan tới một nhóm ủng hộ dân chủ có tên là “Hội Anh em Dân chủ”. Ông bị cáo buộc tội lật đổ theo điều 109 của bộ luật hình sự. Vào tháng mười hai, một tòa án đã kết án ông có tội và xử ông 12 năm tù giam. Tháng năm và tháng sáu, công an bắt hai thành viên của “Hội Nhà báo Độc lập” Việt Nam là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Vào tháng giêng năm 2021, một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh kết án và xử mỗi người 11 năm tù giam. Cũng trong phiên tòa này, người sáng lập hội, blogger Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù giam. Tháng sáu, công an bắt ba cộng tác viên của Nhà xuất bản Tự do, là Cấn Thị Thêu, một cựu tù nhân chính trị và các con trai bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Tháng mười, công an bắt người sáng lập Nhà xuất bản Tự do, blogger độc lập nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Tất cả những người nói trên đều bị cáo buộc tội danh tuyên truyền chống nhà nước.

Luật pháp quốc tế gồm 7 nguyên tắc cơ bản và các nguyên tắc này có vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật quốc tế. Trong đó có nguyên tắc tự quyết dân tộc. Về nguyên tắc tự quyết dân tộc, tại Nghị quyết số 1514 (XV) năm 1960 của Đại hội đồng về Tuyên bố trao độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa đã ghi nhận nội hàm rõ ràng hơn của nguyên tắc này. Đó là: Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết; dựa trên quyền đó, các dân tộc tự do quyết định chế độ chính trị của mình và tự do mưu cầu phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Cũng với nguyên tắc quyền tự quyết dân tộc, trong Công ước về quyền con người năm 1966 quy định quyền này rõ hơn: Tất cả các dân tộc đều có quyền tự do quyết định chế độ chính trị và mưu cầu phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa mà không có sự can thiệp từ bên ngoài…

Như vậy, HRW đã vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Bằng chứng là với báo cáo nêu trên, HRW đã can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, một quốc gia có chủ quyền.

Vấn đề thứ 2 muốn nói ở đây là HRW có biết rằng những kẻ như: Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Phạm Đoan Trang… là ai và họ đã làm gì đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong thời gian qua không? Trước hết xin nhắc đến những thành tích bất hảo của Trần Đức Thạch. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, từ tháng 3-2013 đến 7-2017, Thạch cùng một số đối tượng phản động, chống đối khác khởi xướng, thành lập tổ chức, xây dựng cương lĩnh, quy chế hoạt động và chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ chức “Hội anh em dân chủ”, lập văn phòng đại diện, địa chỉ website để xây dựng cương lĩnh vắn tắt và đối ngoại, đồng thời lợi dụng việc đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền”, “xã hội dân sự” để che giấu mục đích hoạt động chống chính quyền… Từ tháng 5-2019 đến 3-2020, Thạch còn soạn thảo, đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội; bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại trang facebook “Trần Đức Thạch”.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến khi bị bắt, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thường xuyên tiếp xúc các đối tượng, tổ chức có tư tưởng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước, từ đó nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền. Dũng đã khởi xướng thành lập “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” để lôi kéo nhiều đối tượng tham gia, lập trang web, blogger “Việt Nam Thời Báo” nhằm tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bị cáo Dũng giữ vai trò là “chủ tịch” hội, bị cáo Thụy giữ vai trò “phó chủ tịch” hội, còn bị cáo Tuấn (quản trị trang web) cùng một số đối tượng khác viết bài, trả lời phỏng vấn, đăng tải công khai lên trang web, blogger “Việt Nam Thời Báo” của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”. Trong đó, Dũng có 25 bài viết, Thụy có 5 bài viết, Tuấn có 6 bài viết mang nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, Dũng còn tạo lập quan hệ, ký kết hợp đồng viết bài, trả lời phỏng vấn với các trang tin điện tử, các báo, đài nước ngoài với mục đích nhằm đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay thành thể chế chính trị tam quyền phân lập. Dũng nhận được số tiền 477 triệu đồng của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” và tiền thù lao nhuận bút 75.886,59 USD, 1.118,13 GBP (bảng Anh) và 4.725.753 VNĐ. Thụy nhận tiền nhuận bút tổng 180 triệu đồng. Tuấn nhận được tiền nhuận bút 423 triệu đồng. Hành vi chống phá của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội. Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm minh mới có tác dụng giáo dục, răn đe phòng ngừa chung. Và các đối tượng có những hành vi tương tự đã phải trả giá bằng những bản án nghiêm khắc.

Xin nhắc lại để HRW được rõ, Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền. Do đó, HRW đừng vì thiếu hiểu biết mà vi phạm luật pháp quốc tế. Hai là, ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, kẻ nào chống phá chính quyền, gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia và làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân cũng đều bị nghiêm trị, không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Thứ ba, hiện trên thế giới đã có 138 quốc gia ban hành luật an ninh mạng. Tuy khác nhau về tên gọi, song các đạo luật này đều vì mục đích bảo vệ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trong môi trường mạng toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Vậy, HRW lấy lý do gì phản đối chính quyền Việt Nam ngăn chặn những thông tin xấu, độc và có nguy hại đến an ninh quốc gia? Đã đến lúc HRW gỡ bỏ cái mặt nạ đội lốt nhân quyền.

  • Từ khóa
121936

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu