Thứ 6, 10/05/2024 07:38:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:44, 03/04/2021 GMT+7

Kẻ xảo ngôn

Nhật Minh
Thứ 7, 03/04/2021 | 08:44:00 2,656 lượt xem
BPO - Đó là danh xưng mà cộng đồng mạng xã hội đặt cho Trương Huy San hay còn có tên khác là Huy Đức, từ khi ông ta trở thành “con tốt” trong tay trùm giang hồ Năm Cam và là “pháo thủ” trong màu áo của tổ chức khủng bố “Việt Tân”.

Theo học giả Lưu Khâm Hưng, xảo ngôn là người nói khéo, khéo đến mức bạn không bao giờ thấy được lời nói của họ là xảo trá, mà trái lại, họ sẽ cố gắng làm cho bạn tin tưởng họ. Người xảo ngôn cũng là người dẻo miệng, người lúc nào cũng lo trau chuốt sao cho lời nói bóng bẩy, bay bướm. Đó thường là người thiếu thành thật, chuộng hình thức và thường tìm mọi cách để che đậy những ý nghĩ xấu xa của mình. Đối với kẻ xảo ngôn thì bản chất của sự việc, hiện tượng và cả con người dù trắng đen hay đen trắng cũng không cách nào nhận ra được. Đối với những người này, giá trị của đạo đức sẽ bị đảo lộn và có khi là sự dối trá, xảo quyệt.

Nói tóm lại, sự gian xảo trong lời nói đôi khi còn nguy hiểm hơn một lưỡi dao. Cũng chính bởi những điều lật lọng của cái lưỡi không xương đã khiến người phương Tây đúc kết ra câu ngạn ngữ rằng: “Sự tráo trở còn khó lường hơn một đường đạn”. Suy cho cùng thì ở Việt Nam hiện nay, không ai xứng với danh xưng này bằng Trương Huy San và cộng đồng mạng quả là am tường, sáng suốt.

Bằng chứng là vào sáng 8-3-2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của 6 bị cáo trong vụ án “giết người”, “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong đó, 5 bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến cho rằng hình phạt mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên là nặng, đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét các tình tiết trong vụ án để giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Bùi Thị Nối không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm nên đã có đơn kháng cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại. Ngày 9-3-2021, tòa đã tuyên phạt y án đối với tất cả 6 bị cáo nêu trên. Và ngay hôm sau 10-3-2021, trên trang facebook cá nhân có tên là Facebook Osin Huyduc, Trương Huy San đã đăng tải bài viết với tựa đề “Mạng đổi mạng không phải là công lý”.

Theo đó, toàn bộ nội dung của bài viết này như sau: Chuẩn bị hung khí mà để trong nhà thì có thể coi là chuẩn bị “phòng vệ”. Trên thực tế là gia đình cụ Kình đã bị tấn công. Tôi vẫn cho rằng, nếu đúng như các bị cáo thừa nhận, họ đã giết 3 cán bộ công an, thì họ đã “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (dù họ đã phòng vệ không thành công, cửa nhà tan nát, cha già bị giết) hoặc “giết người trong trạng thái bị kích động mạnh” (do bị tấn công vào ban đêm bằng vũ trang). Hãy xử đúng tội danh chứ đừng khép những tội để có thể tử hình họ. Mạng đổi mạng là trả thù chứ không phải là công lý. Đừng xử theo cách mà trăm năm sau người đời phải còn phán xử. Vẫn biết, nói chuyện pháp lý hay công lý trong vụ án Đồng Tâm là vô nghĩa với những người đang nắm quyền tuyên án. Nhưng, day dứt trên nền tảng công lý và pháp lý là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống như những con người.

Như vậy, với luận điệu xảo ngôn, giảo biện, San đã khẳng định rằng “Lê Đình Kình và nhóm người thân chuẩn bị hung khí trong nhà là để phòng thân”, đó là “chuẩn bị cho sự phòng vệ chính đáng” và các bị cáo trong vụ án này cùng với gia đình của họ mới là đối tượng “bị tấn công”. Đúng như người xưa vẫn thường nói, những kẻ điêu ngoa, xảo trá, gian manh thường là những kẻ nhắm mắt nói càn. Và San cũng là một trong những kẻ này, vì trong vụ án Đồng Tâm, nhóm người của Lê Đình Kình gồm cả con, cháu và thân tộc đã lên kế hoạch, chuẩn bị sẵn hung khí từ trước để sẵn sàng lao vào chống đối, tấn công lực lượng chức năng. Hơn nữa, các đối tượng này còn góp tiền mua vũ khí giết người hàng loạt là 10 quả lựu đạn, rồi mua xăng để đóng làm 85 chai “bom” xăng, lại còn mua thêm 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và câu liêm ở một đầu làm hung khí… Vậy, xin hỏi ông San rằng trên thế giới này có một người dân chân chính, lương thiện ở quốc gia nào mà lại chuẩn bị một số lượng lớn vũ khí, trong đó có vũ khí quân dụng (lựu đạn), có khả năng sát thương cao, gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người rồi “xảo biện” rằng việc đó là để “phòng vệ”? Rõ ràng, đây là hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và nghiêm trọng hơn là có động cơ giết người.

Và ở đây, câu hỏi được đặt ra là căn cứ vào đâu mà ông San dám nói liều rằng hành vi của các bị cáo trong vụ án này chỉ là “phòng vệ”? Trong khi đó, cả Lê Đình Kình và các bị cáo khác không hề bị tấn công, thì sao lại có chuyện “phòng vệ”? Hơn nữa, theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, vào khoảng 23 giờ ngày 8-1-2020, Lê Đình Công đã chỉ đạo cho nhiều đối tượng tập trung các loại vũ khí lên tầng 2 của nhà cha mình là ông Lê Đình Kình và yêu cầu tất cả mọi người ngủ lại, đợi khi nào lực lượng công an đến sẽ báo động bằng kẻng, đồng loạt lên mái nhà tấn công. Rạng sáng 9-1, khi thấy lực lượng công an vừa đến cổng thôn Hoành để làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, Bùi Văn Niên, Lê Đình Quân tiếp tục đánh kẻng, báo động. Tổ công tác đã sử dụng loa phát thanh kêu gọi các đối tượng chấm dứt ngay hành vi vi phạm và đầu thú, tuy nhiên các đối tượng chẳng những không thực hiện mà còn chống đối quyết liệt.

Bất chấp việc cơ quan chức năng phát loa kêu gọi các đối tượng dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật nhưng không một ai dừng lại. Nguy hiểm và hung bạo hơn là khi đó, Lê Đình Kình đã lớn tiếng tuyên bố rằng nếu công an về Đồng Tâm sẽ tiêu diệt từ 300 người đến 500 người? Trong lời khai tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Lê Đình Chức thừa nhận rằng chính cha mình là ông Lê Đình Kình đã ra lệnh “Giết hết chúng nó đi”. Khi 3 chiến sĩ công an bị Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh ném bom xăng, phóng dao tuýp, dao bầu từ phía trên khiến họ vì né mà sẩy chân xuống hố sâu, các bị cáo nêu trên liền tưới xăng thiêu sống. Đây là hành vi cố ý giết người man rợn, hành vi khủng bố chứ không thể là tình huống phòng vệ cấp thiết. Từng có danh là một nhà báo có kinh nghiệm, thế nhưng ngay cả việc phân biệt đâu là phòng vệ chính đáng, đâu là tàng trữ vũ khí, đâu là hành vi giết người, đâu là chống người thi hành công vụ… mà không nhận biết được thì phải xem xét lại nhân cách của ông San.

Một khi đã nhận tiền của tổ chức khủng bố Việt Tân thì ông San ắt vì cái lợi mà làm mờ cái tâm. Và khi “tâm” đã mờ thì “nhân” ắt hẳn sẽ phải lệch lạc. Xin nhắc lại để ông San hiểu kỹ thêm rằng, dù có khôn lanh, giảo hoạt đến đâu thì cũng không thể che đậy được sự thật. Cuối cùng rồi ông cũng phải hoàn trả lại tất cả những gì gọi là nghiệp chứng do chính ông gây ra.                      

  • Từ khóa
121846

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu