Thứ 6, 10/05/2024 12:08:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 14:32, 20/03/2021 GMT+7

Thủ đoạn thâm độc

Nhật Minh
Thứ 7, 20/03/2021 | 14:32:00 358 lượt xem
BPO - BBC tiếng Việt ngày 8-3-2021 có đăng bài với tựa đề: “Ngày 8 tháng Ba nghĩ về bình đẳng giới và nữ quyền ở Việt Nam”, của tác giả Song Chi. Nếu như tác giả bài báo này không nói láo, không bịa đặt và không nhắm mắt nói mò để nhận bố thí mấy đồng bạc lẻ, thì có lẽ cũng chẳng ai rỗi hơi, phí sức với kẻ đang tha phương cầu thực ở tận trời Tây. Đằng này, trong bài báo, tác giả đã ngang nhiên đưa ra khẳng định rằng: “Việt Nam vẫn chưa có bình đẳng giới”. Chưa hết, sự thâm độc, xấu xa và bỉ ổi của người viết và kẻ duyệt cho đăng bài báo này lại nhằm đúng vào Ngày quốc tế phụ nữ 8-3.

Trong nội dung bài báo, tác giả viết: Trong quan hệ hôn nhân, gia đình, tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam vẫn còn, nhất là ở tỉnh lẻ, nông thôn,… Nhiều ông chồng có tính gia trưởng, ăn rồi tối ngày đi nhậu, ngồi quán cà phê “chém gió”, khoán trắng mọi việc nội trợ cho vợ bởi vì “đó không phải là việc của đàn ông”; hoặc ít bộc lộ tình cảm, cũng không đánh giá đúng công sức, sự đóng góp của vợ trong vô số công việc không tên hằng ngày; hoặc đi làm lương chỉ vừa đủ tiêu cho mình, còn vợ phải chạy ngược chạy xuôi buôn bán, kinh doanh, làm thêm để đủ chi tiêu cho cả nhà vừa lo toan trong ngoài, chăm sóc con cái…

Thế vẫn còn đỡ, ở nông thôn… không hiếm gì chuyện các bà vợ bị bạo hành, đánh đập… Chúng ta vẫn thường đọc thấy những câu chuyện các bà vợ bị đánh chỉ vì người đàn ông kia ghen bóng ghen gió…

Chưa hết, tác giả bài báo còn ở tận nước Na Uy mà nói rằng: Theo “Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời…”. Cái sự bỉ ổi của tác giả ở đây là đưa ra dẫn chứng về “Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019”, nhưng không nói rõ do cơ quan, tổ chức nào ở Việt Nam hay quốc tế thực hiện khảo sát, thống kê rồi công bố. Chính vì sự mù mờ “đánh lận con đen” này mà tác giả đã đưa ra số liệu không ai có thể tin được, vì trên thế giới ngày nay chẳng một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào mà cứ 3 người phụ nữ thì có “gần 2 người” bị bạo lực, chứ đừng nói tới Việt Nam.

Trong khi đó, bình đẳng giới là vấn đề luôn được Nhà nước Việt Nam quan tâm và triển khai nhiều chính sách quan trọng mang lại quyền lợi bình đẳng giữa mọi người, đồng thời tuyên truyền, giáo dục để thay đổi quan niệm, tư duy của nam giới và chính nữ giới. Vì thế, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam là một trong những quốc gia đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, là một trong các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu bình đẳng nam - nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ - đây là một trong các mục tiêu Thiên niên kỷ mà chúng ta phấn đấu đạt tới và được Liên hợp quốc công nhận. Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 1997-2002 là 26,2%, nhiệm kỳ 2002-2007 là 27,3%, nhiệm kỳ 2007-2011 là 25,8% (cao thứ 31 trên thế giới), nhiệm kỳ 2011-2016 là 24,4% (cao thứ 2 trong khu vực và thứ 43 trên thế giới). Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 25,2%, cấp huyện 24,6%, cấp xã 21,7%...

Về tuổi thọ bình quân của nữ giới Việt Nam hiện đạt 76 tuổi, cao hơn của nam giới (70 tuổi), cao hơn của nữ giới trong khu vực (73 tuổi), nữ giới ở châu Á và thế giới (72 tuổi). Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế, thứ bậc về GDP, GEM của Việt Nam cao hơn thứ bậc về HDI. Điều này chứng tỏ cùng với việc quan tâm phát triển con người nói chung, Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến phát triển liên quan về giới, đến vai trò của phụ nữ so với nhiều nước.

Bà Valentina Barcucci, chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO ở Việt Nam, cho biết: Trong năm 2020, điều đáng mừng là phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt hơn để đảm nhận những vị trí ra quyết định trong các doanh nghiệp. Cộng đồng nhân tài vẫn tiếp tục được mở rộng… Trong số những phụ nữ đang tham gia thị trường lao động, 10% đã tốt nghiệp đại học, trong khi tỷ lệ này của nam thanh niên chỉ là 5%. Hiện tỷ lệ phụ nữ trong các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học (STEM) là 37% và tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng.

Nguy hiểm và thâm độc hơn, tác giả bài báo còn thổi phồng sự thật về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam, rằng: Hiện tại, Việt Nam đang đứng trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với tỷ lệ bé trai nhiều hơn bé gái, ở mức nghiêm trọng. “Cũng với giọng điệu nhắm mắt nói mò, “thầy bói xem voi”, tác giả bài báo cho rằng: Đến năm 2050, sẽ có khoảng từ hơn 2 triệu đến hơn 4 triệu đàn ông Việt Nam có thể không lấy được vợ vì thiếu nữ giới. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh thông thường (tự nhiên) là 104-106 bé trai/100 bé gái và tỷ số này ở Việt Nam hiện cao hơn mức tự nhiên nhưng không phải đến mức nghiêm trọng như tác giả bài báo đã nêu. Nhận thức rõ vấn đề này, ngày 22-11-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030… Chiến lược này nêu rõ:… Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Và ngay trong năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đã giảm mạnh so với năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái. Chắc chắn trong những năm tới, tỷ số này ở Việt Nam sẽ dần được điều chỉnh về mức tự nhiên.

Như vậy, với nội dung nêu trên cho thấy, tác giả và đội ngũ những người làm báo tiếng Việt ở BBC chẳng hiểu và cũng chẳng biết gì về bình đẳng giới ở Việt Nam từ nhiều năm trở lại đây, nhất là hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu, bởi từng là đạo diễn phim ở Việt Nam nhưng tác giả bài báo này - Song Chi, đã chạy sang tị nạn ở Na Uy từ năm 2009. Để có miếng cơm, manh áo nơi đất khách quê người, Song Chi đã vào hùa với những thế lực thù địch, phản động để sống qua ngày. Bằng chứng là cũng trên BBC tiếng Việt, Song Chi đã có bài viết vu khống rằng:… Nhà cầm quyền Việt Nam hành hạ, khủng bố người tù chính trị bằng cách áp đặt chế độ ăn uống cực khổ, thiếu thốn, tình trạng bẩn thỉu, chật chội, thiếu không khí, mất vệ sinh… Đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt kiểu “ngậm máu phun người” của đối tượng phản động, bán nước và Song Chi là một trong những kẻ đó.

  • Từ khóa
121311

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu