Thứ 7, 27/04/2024 04:48:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 14:36, 18/03/2021 GMT+7

Kẻ bồi bút hợm hĩnh

Thảo Linh
Thứ 5, 18/03/2021 | 14:36:00 571 lượt xem
BPO - Ngày 3-3 vừa qua, Văn đoàn độc lập - tổ chức núp danh xã hội dân sự của những đối tượng phản động trong nước đã công bố cái gọi là “Giải thưởng Văn Việt” lần thứ 6 cho Phạm Thanh Nghiên với tác phẩm “Những mảnh đời sau song sắt”. Dù Văn đoàn độc lập là tổ chức không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận nhưng Phạm Thanh Nghiên tỏ ra vui mừng, hãnh diện lên trang facebook cá nhân: Tôi hãnh diện được gọi tên, vì Văn đoàn độc lập là nơi quy tụ nhiều cây bút tự do đang hiện diện ngay trong lòng chế độ, nơi mà mọi thứ đều bị kiểm duyệt hoặc cấm đoán. Đọc những lời lẽ huênh hoang của Nghiên, nhiều người ngán ngẩm chép miệng, thật đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Bởi chỉ những kẻ lầm lạc không biết quay đầu là bờ mới tỏ ra vui mừng đến thế khi được một tổ chức vô thừa nhận vinh danh.

Phạm Thanh Nghiên quê Hải Phòng, là một trong những nhân vật có số má trên các diễn đàn, blog của những đối tượng hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Nghiên từng vài lần vào tù vì tội tuyên truyền chống Nhà nước, nhưng ra tù vẫn ngựa quen đường cũ và trở thành cộng tác viên đắc lực cho các diễn đàn chống phá, đặc biệt là trang Danlambao. Bên cạnh công khai chống chế độ, chống Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc tình hình chính trị đất nước, bôi nhọ lãnh tụ, vu cáo chính quyền, Nghiên còn thường xuyên khích lệ các đối tượng chống đối đang thi hành án tuyệt thực và đòi trả tự do cho các “tù nhân lương tâm” - thực chất là các đối tượng phải ngồi tù vì các hành vi chống phá.

Với mỗi người dân Việt Nam, cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ thiêng liêng, là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc. Dù ở đâu, làm gì, nhìn thấy cờ đỏ sao vàng thì bất cứ ai mang trong mình dòng máu Việt, là công dân Việt Nam đều cảm thấy yên lòng, trân quý và tự hào. Vậy mà cách đây không lâu, trên trang Danlambao, Phạm Thanh Nghiên đã viết những dòng phỉ báng cờ đỏ sao vàng: “Sao vàng cờ đỏ không phải là hạn, nó là đại hạn, đại họa của dân tộc. Muốn giải sao này, không còn cách nào khác là phải bước qua sợ hãi, dũng cảm đấu tranh dẹp bỏ nó. Và để giải thể nó, không cần phải thịt mồi, rượu trắng, không cần ông thầy cúng nào mà chính mỗi người dân chúng ta đều có thể tự làm được!”. Hành động của Phạm Thanh Nghiên không chỉ là vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn xúc phạm niềm tin, tình cảm dân tộc thiêng liêng của nhiều người dân Việt nên không thể chấp nhận. Một công dân với tư duy, tình cảm khiếm khuyết như thế, công khai mạt sát Tổ quốc, dân tộc, công khai đòi lật đổ chế độ lại được Văn đoàn độc lập vinh danh thì đủ biết tổ chức này như thế nào.

Về cái gọi là “Giải thưởng Văn Việt”, suốt 6 năm qua, Văn đoàn độc lập do một số văn nghệ sĩ bất mãn chế độ như Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên, Hà Sỹ Phu… thành lập đã lôi kéo lớp văn nghệ sĩ suy thoái về tư tưởng chính trị tham gia. Một số nhân sĩ trí thức với mong muốn thúc đẩy đời sống xã hội tốt đẹp hơn đã mất cảnh giác tham gia tổ chức này chỉ vì uy tín của các tên tuổi lớn trong làng văn một thuở. Họ ngây thơ nghĩ rằng diễn đàn Xã hội dân sự sẽ là nơi lên tiếng góp ý sửa đổi chính sách và đưa ra các giải pháp để xây dựng đất nước. Thế nhưng, ngay khi bản danh sách được công bố, đã thấy tên tuổi của họ bị lẫn lộn với những thành phần chống đối cực đoan thuộc các tổ chức NoU, Đảng Việt Tân, Hội anh em dân chủ… Họ lập trang “Văn Việt” để đăng tải tác phẩm của các tác giả có tư tưởng chống đối và quy tụ những đối tượng cơ hội chính trị, suy thoái, biến chất nhằm xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc tình hình đất nước, kích động biểu tình, bạo loạn. Cái gọi là “Giải thưởng Văn Việt” được trao vào tháng 3 hằng năm nhằm vinh danh những tác phẩm và tác giả có “thành tích” chống chế độ, Nhà nước Việt Nam. Thế nên dù Phạm Thanh Nghiên từng thừa nhận trên Facebook là chưa từng tham gia hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, nhưng có lẽ xét cả về thân thế, sự nghiệp lẫn những bài viết sặc mùi chống phá thì Phạm Thanh Nghiên đạt đủ tiêu chí của ban tổ chức cái giải thưởng ngớ ngẩn này.

Tác phẩm “Những mảnh đời sau song sắt” được nhắc đến cùng “Giải thưởng Văn Việt lần thứ 6” là những bài viết không hề có chút giá trị văn chương nào mà chỉ mang nội dung xuyên tạc tình hình chính trị tại Việt Nam. Cuốn sách có đoạn: “Bốn năm ở tù, tôi nhẩm tính có hàng chục người bị bắt vì đấu tranh cho Nhân quyền, Dân chủ và Tự do tôn giáo. Không ít người trong số đó là người tôi thân quen hoặc từng may mắn được gặp mặt. Tổng cộng số năm tù cho những người đấu tranh ôn hòa này lên tới hàng trăm năm (...). Tôi không khỏi lo lắng và nghĩ tới những ngày tồi tệ của phong trào tranh đấu bên ngoài. Đếm trên đầu ngón tay, chỉ còn lại dăm ba người...”.

Bên cạnh những bài viết xuyên tạc tình hình chính trị, Phạm Thanh Nghiên còn chửi Đảng, Nhà nước, gọi chế độ ta là “nhà tù cộng sản”, là “địa ngục” với giọng điệu hằn học y như ngôn ngữ lúc Phạm Thanh Nghiên nói tại các diễn đàn. Ấy vậy mà lại lọt vào mắt xanh của những người từng là nhà văn, nhà thơ tên tuổi một thời như Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo mới lạ. Mang tiếng là giải thưởng văn học, nhưng nó lại bỏ qua những tiêu chí cơ bản nhất là tính nghệ thuật và giá trị văn học.

Như thế để thấy Phạm Thanh Nghiên chỉ là kẻ bồi bút hợm hĩnh. Như thế để thấy cái gọi là “Giải thưởng Văn Việt” chỉ là một sản phẩm què quặt, ngớ ngẩn, trò cười cho thiên hạ. Và như thế để thấy Văn đoàn độc lập chỉ là một tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam chứ chẳng liên quan gì tới việc góp ý sửa đổi chính sách của Nhà nước cũng như nâng đỡ các văn nghệ sĩ như họ tuyên bố rùm beng lúc vận động thành lập tổ chức trá hình này.                    

  • Từ khóa
121215

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu