Thứ 7, 11/05/2024 03:05:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:37, 17/12/2020 GMT+7

Sức sống dân tộc Việt

Thanh Quang
Thứ 5, 17/12/2020 | 15:37:00 2,310 lượt xem
BPO - Ngày nay, một câu hỏi lớn luôn làm đau đầu các nhà nghiên cứu trên thế giới, đó là tại sao trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, song các cư dân của dân tộc Việt vẫn không bị phương Bắc đồng hóa, ngược lại, có một số mặt nào đó - chẳng hạn như chữ viết - đã được Việt hóa và phát triển đến ngày nay? Người Hán xưa nay vẫn tự cho là có khả năng đồng hóa cực mạnh, số dân tộc đã bị Hán hóa nhiều không đếm xuể. Vậy tại sao cả ngàn năm đô hộ nước ta, song các triều đại phương Bắc vẫn không thể đồng hóa nổi người Việt?

Để lý giải điều đó, trước hết cần làm rõ thế nào gọi là Hán hóa? Ngược dòng lịch sử, thấy rằng từ xa xưa, một dải giang sơn mênh mông từ Nam sông Dương Tử (Trung Quốc gọi là vùng Giang Nam) trở về Nam, rộng 7-8 ngàn dặm, từ Giao Chỉ đến Cối Kê (Thiệu Hưng - Trung Quốc ngày nay), từ trước thời Tần Hán đều là nơi các dân tộc Việt sinh sống và phát triển nền văn minh lúa nước rực rỡ, sử sách thường gọi là Bách Việt, như: Điền Việt ở vùng Vân Nam; Âu Việt ở Lưỡng Quảng, Giao Chỉ; Đông Việt, Mân Việt, U Việt, Nam Việt, Chiêm Việt (ở đảo Hải Nam ngày nay), Lạc Việt (phía Bắc Việt Nam ngày nay). Thế rồi, trải qua quá trình dài chiến tranh, đô hộ, hầu hết đều trở thành lãnh thổ và giang sơn của người Hán, dùng Hán ngữ và văn hóa Hán. Quá trình đó gọi là Hán hóa.

Thực ra, cách gọi Hán hóa cũng chưa hoàn toàn chính xác, bởi vì thời kỳ này nhà Hán chưa thành lập. Song, từ trước tới nay, người Hán chiếm đại đa số tại Trung Hoa, là tộc người đại diện cho Trung Hoa nên để nghiên cứu quá trình đồng hóa của Trung Hoa đối với các dân tộc lân bang, các nhà nghiên cứu, các nhà lịch sử đều gọi là quá trình Hán hóa cho thuận tiện và dễ hiểu. Sử sách của Trung Quốc và Việt Nam đều ghi rõ: Cho đến trước khi Tần Thủy Hoàng diệt được 6 nước, thống nhất Trung Hoa, thành lập nhà Tần năm 221 trước công nguyên, thì dân Hoa Hạ (Hán tộc) mới chỉ chiếm lãnh và đồng hóa được dải đất từ Hoàng Hà xuống đến Ngũ Lĩnh, còn từ Ngũ Lĩnh trở về Nam (Lưỡng Quảng, Giao Chỉ, Hải Nam…) vẫn thuộc về Âu Việt và Lạc Việt. Từ Kinh Sở trở về Tây, Tây Nam (Vân Nam) vẫn thuộc Điền Việt, Tây Âu, Đại Lý… Chỉ sau khi Mông Cổ chiếm Đại Lý năm 1253, sau đó tới Vân Nam rồi Trung Hoa, lập ra nhà Nguyên thì Vân Nam nhập vào Trung Hoa. Năm 1381, Minh Thái Tổ mới bình định xong Vân Nam và cuộc Hán hóa hoàn tất rất nhanh. Ngày nay, hơn 61% cư dân Vân Nam là người Hán. Tuy nhiên, vùng Lĩnh Nam, nơi cư ngụ của các tộc người Tây Âu, Lạc Việt thì quá trình Hán hóa rất khó khăn, thậm chí là thất bại như trường hợp đối với nước Văn Lang, Âu Lạc (Việt Nam ngày nay).

Vậy thì, vì sao dân tộc Việt Nam không bị Hán hóa? Chúng ta đều biết, đồng hóa dân tộc (nation assimilation) gồm: (1) - Đồng hóa tự nhiên, là xu hướng tự nhiên trong lịch sử loài người; (2) - Đồng hóa cưỡng chế, là sự cưỡng bức một dân tộc bị trị chấp nhận ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc thống trị. Điều này thì các triều đại phương Bắc đã thực hiện rất thành công với các dân tộc khác trước đó. Người Hán đã thực hiện đồng thời cả 2 biện pháp đồng hóa này hơn 1 ngàn năm mà Đại Việt vẫn không bị đồng hóa, người Trung Quốc ngày nay tìm mọi lý lẽ để biện minh cho điều này, song không có tính thuyết phục, chẳng hạn như Việt Nam ở xa Trung Nguyên, núi sông cách trở, không tiện đồng hóa. Vậy thì, tại sao vùng Vân Nam lúc bấy giờ cũng xa, cách trở núi sông song vẫn bị Hán hóa? Hoặc, Việt Nam ở phương Nam, khí hậu nóng ẩm, người Hán không sống được, khó đồng hóa. Vậy, vì sao vùng đảo Hải Nam, nơi định cư của tộc người Chiêm Việt có khí hậu tương tự cũng bị đồng hóa? Hay, người Hán di dân xuống Việt Nam ít, điều này lại càng khó chấp nhận.

Thông thường, một dân tộc sẽ bị đồng hóa nếu kẻ đi đồng hóa đạt được các điều kiện sau: Một, đồng hóa chủng tộc, thường được thực hiện bằng một cuộc chinh phạt và kẻ đi chinh phạt sẽ tiến hành diệt chủng dân tộc bị chinh phạt hoặc sẽ đuổi dân tộc bị chinh phạt để thay thế bằng cư dân của mình hoặc pha loãng huyết thống. Điều này dễ dàng nhận thấy ở Bắc Mỹ khi người châu Âu và người Mỹ da trắng thực hiện đối với các bộ lạc, bộ tộc bản địa. Hai, đồng hóa về văn hóa, tín ngưỡng. Ba, đồng hóa về tổ chức cộng đồng xã hội. Ngược lại, sự đồng hóa một dân tộc khác sẽ khó thực hiện được, nếu: Thứ nhất, dân tộc đó có sức sống sinh học và xã hội mãnh liệt thì rất khó bị đồng hóa, ví dụ dân tộc Do Thái, trải qua hàng ngàn năm bị truy sát, xua đuổi, diệt chủng song vẫn tồn tại. Thứ hai, đồng hóa về văn hóa, tín ngưỡng phụ thuộc vào trình độ văn minh của dân tộc. Một dân tộc có thể mạnh về chinh chiến, có thể chiến thắng trong mọi cuộc chinh phạt, song nếu trình độ văn minh thấp hơn thì sẽ bị kẻ bại trận đồng hóa, điển hình như các dân tộc Hung, Nô, Nữ Chân, Mãn Châu đều chiến thắng người Hán, cai trị người Hán song cuối cùng lại bị Hán hóa. Thứ ba, khi một dân tộc có tổ chức tốt, cố kết các thành viên bền chặt thì rất khó bị đồng hóa.

Như vậy, nhìn lại lịch sử thì thấy, người Việt (tộc người Kinh) có đầy đủ cả 3 yếu tố nêu trên. Bởi vì, người Kinh là tộc người tập hợp các thành phần ưu tú nhất của các tộc người Bách Việt, vì khi Bách Việt bị Hán hóa, các thành phần ưu tú, tinh hoa trong xã hội Bách Việt lúc bấy giờ sẽ là mục tiêu truy sát của người Hán. Do đó, họ phải tháo chạy, chạy mãi về phương Nam và cuối cùng định cư nơi mảnh đất cuối trời Bách Việt là Việt Nam ngày nay. Tinh hoa của Bách Việt được cô đọng ở người Kinh không thua kém nền văn minh Hoa Hạ nên rất khó bị đồng hóa. Tổ chức xã hội của người Việt, điển hình là làng xã có tính cố kết cộng đồng rất bền chặt, mạnh mẽ, theo kiểu “phép vua thua lệ làng”. Tổ chức nhà nước cũng có từ rất sớm, từ thời Xuân thu Chiến quốc, do đó rất khó phá vỡ. Hãy nhớ đến Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần thì thấy tinh thần cố kết cộng đồng, mối liên kết giữa nhân dân với Nhà nước phong kiến, tính tổ chức của Nhà nước phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ rất bền chặt. Chúng ta khó bị đồng hóa còn bởi lẽ chúng ta là một dân tộc không bao giờ biết cúi đầu bán rẻ đất nước để rước ngoại bang vào đô hộ, chỉ trừ một vài trường hợp cá biệt như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh mà thôi. Ngay cả một vương triều đã thất thế, bị truy đuổi, đứng bên bờ diệt vong như triều Mạc cũng không bán rẻ đất nước cho ngoại bang. Năm 1594, Mạc Ngọc Liễn chiếm giữ vùng Vạn Ninh, trước khi lâm chung, vẫn dặn dò con là Mạc Kính Cung rằng: “Nay vận khí nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời, dân ta vô tội mà để phải mắc nợ binh đao, sao lại nỡ thế… Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than, đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”. Nhà Thanh khó vào được Thăng Long nếu không có bọn vua quan bán nước Lê Chiêu Thống rước voi giày mả tổ. Song, cũng chỉ thoáng qua rồi bị Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh cho tan tành không còn manh giáp.

Như vậy, có thể thấy rằng, nhờ một sức sống mãnh liệt, tinh thần cố kết cộng đồng, trình độ tổ chức nhà nước và một nền văn minh lúa nước rực rỡ, mà trải qua 1 ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta chẳng những không bị đồng hóa, ngược lại còn tiếp thu những tinh hoa của nền văn minh Hoa Hạ để bổ sung, phát triển kho tàng tri thức của mình. Đó là những lý do khẳng định sức sống mãnh liệt của người Việt, là những điều kiện khiến người Việt không bị Hán hóa.

  • Từ khóa
113020

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu