Thứ 5, 09/05/2024 12:21:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Quốc phòng 08:00, 18/10/2023 GMT+7

Tăng dày phên giậu biên cương

Minh Nhâm - Hoàng Thu - Minh Luận
Thứ 4, 18/10/2023 | 08:00:00 205 lượt xem

BPO - Chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta từ khi mới ra đời. Là tỉnh ở vị trí chiến lược, trọng yếu về biên giới, quốc phòng - an ninh, cùng với phát huy mối quan hệ truyền thống đoàn kết, hợp tác với các tỉnh thuộc nước bạn Campuchia, Bình Phước đã và đang hiện thực hóa các chủ trương, đề án đưa dân cư lên tuyến biên giới sinh sống, “tăng dày” phên giậu biên cương với mục tiêu ổn định, phát triển về kinh tế - xã hội, mạnh về quốc phòng - an ninh. Bình Phước là tỉnh thực hiện tốt công tác này với nhiều “cái nhất”.

Bài 1:
TÀI SẢN VÔ GIÁ

Bình Phước là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia dài nhất cả nước; là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc sớm nhất; cũng là địa phương đầu tiên ở Quân khu 7 đã hoàn thành cả 3 giai đoạn của Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu 7 giai đoạn 2019-2025”, về trước kế hoạch 3 năm; nơi lần đầu tiên Thủ tướng Campuchia Hun Sen đặt chân sang lãnh thổ Việt Nam tìm đường cứu nước; nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đánh dấu mối quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Campuchia…

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tặng hoa chúc mừng ngài Samdech Pichey Sena Tea Banh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia tham dự Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất, diễn ra giữa tháng 5-2022 tại Bình Phước

Nghĩa tình chung một dòng sông

Là hai nước láng giềng gần gũi, cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, uống chung dòng nước Mê Kông và có nguồn gốc nền văn minh nông nghiệp lúa nước với lịch sử lâu đời ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Campuchia có nhiều điểm tương đồng, luôn gần gũi, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, ngày 23-6-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk bức điện, trong đó nhấn mạnh về mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước. Bức điện nêu rõ: Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia là sự biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu; là một sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước.

Ngay từ cuối năm 1945, khi đất nước Việt Nam vừa giành được độc lập, nhiều đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp những người yêu nước, cách mạng Campuchia xây dựng đội ngũ tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia và phối hợp với quân, dân Campuchia kháng chiến chống thực dân giành độc lập dân tộc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường và lãnh đạo Quân khu 7 thực hiện nghi thức an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở nước bạn Campuchia, tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước, ngày 27-7-2023

Lãnh đạo tỉnh thắp nén nhang thơm tại lễ an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở nước bạn Campuchia, tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước, ngày 27-7-2023

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam đã góp phần tạo thời cơ, tăng cường thế và lực để Quân giải phóng Campuchia tiến lên, giải phóng Thủ đô Phnom Penh ngày 17-4-1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân và chính quyền tay sai.

Tuy nhiên, chưa kịp hưởng hòa bình, Campuchia đã rơi vào bi kịch lớn khi tập đoàn phản động Pol Pot gây ra thảm họa diệt chủng khủng khiếp. Chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, tập đoàn Pol Pot đã sát hại hơn 3 triệu người Campuchia vô tội. Đồng thời đưa quân sang đánh chiếm một số đảo của Việt Nam và gây ra chiến tranh biên giới Tây Nam - Việt Nam, giết hại hàng vạn dân thường Việt Nam.

Lực lượng chức năng Campuchia tặng rau củ cho Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước khi làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ trên đất bạn

Ông Huỳnh Thế Thiện năm nay hơn 90 tuổi, một lão thành cách mạng ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, người trực tiếp chỉ huy một trung đội tấn công, đánh đuổi bọn diệt chủng Pol Pot vẫn chưa thể quên tội ác mà chúng gây ra trên tuyến biên giới huyện Bù Đốp, Bình Phước. Ông kể, trong các cuộc tấn công của Pol Pot vào biên giới huyện Bù Đốp, thì cuộc tấn công vào xã Thiện Hưng và Phước Thiện là tàn khốc nhất. Đi tới đâu, chúng chém giết, đốt phá nhà cửa, tàn sát làng mạc tới đó. Không trừ một ai, từ người già, phụ nữ đến trẻ em vô tội, chúng giết sạch, phá sạch. Chúng biến nhiều thôn, ấp của huyện Bù Đốp thành tro bụi…

Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, giúp bạn là tự giúp mình, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã cùng với những chiến sĩ cách mạng chân chính và nhân dân Campuchia tiến hành cuộc cách mạng ngày 7-1-1979, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Đồng thời thể theo nguyện vọng của nhân dân Campuchia, từ năm 1979 đến 1989, hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã ở lại Campuchia chung sức với cán bộ và nhân dân Campuchia khắc phục hậu quả sau chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước Chùa Tháp, cũng là để bảo vệ phên giậu biên cương đất nước mình.

“Gian nan mới biết bạn hiền, hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Campuchia trong cuộc chiến này được đánh đổi bằng xương máu của biết bao chiến sĩ quân tình nguyện và là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, chí nghĩa, chí tình giữa hai dân tộc láng giềng anh em.

Thủ tướng Campuchia HUN SEN phát biểu tại lễ kỷ niệm 45 năm hành trình tiến tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, năm 2022 tại Bình Phước


Hợp tác toàn diện

Triển khai kế hoạch phân giới, cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Campuchia, Bình Phước là tỉnh hoàn thành sớm nhất công tác này. Trung tá Vũ Công Sơn, Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh kể lại: Do địa hình phức tạp, xa dân cư, điều kiện ăn ở, đi lại khó khăn, cột mốc chủ yếu được xây dựng ở khu vực rừng rậm, sông, suối nên việc vận chuyển và tập kết vật liệu không dễ. Trong khi đó, có những cột mốc ở vị trí rất khó xác định, hai bên phải bàn bạc nhiều lần mới thống nhất được. Có những cột mốc để xây dựng phải lội qua sông, rừng rậm... Tuy nhiên, với sự  nỗ lực và đồng hành, hỗ trợ của lực lượng chức năng các tỉnh giáp biên thuộc nước bạn Campuchia, Bình Phước đã hoàn thành tốt nhất công tác này cả về tiến độ và chất lượng công trình. Phên giậu biên cương theo đó được tăng dày thêm.

Đội phân giới cắm mốc số 5 tỉnh Bình Phước và Đội phân giới cắm mốc số 3 tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia kiểm tra cột mốc phụ 73/1(2) trên địa bàn xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh

Trên tuyến biên giới, Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương ký kết nghĩa giữa đồn, trạm biên phòng Việt Nam với các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia. Việc kết nghĩa đã góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vượt biên trái phép… Đồng thời góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Campuchia ngày càng bền chặt.

Thiếu tướng Mao Thea Vy, Phó Chỉ huy trưởng Tiểu khu Quân sự Kratie, Vương quốc Campuchia cho biết, nhiều năm qua, chính quyền, lực lượng vũ trang Kratie và Bình Phước đã ký kết các thỏa thuận hợp tác, trao đổi thông tin thường xuyên, tăng cường phối hợp tuần tra, giữ vững ổn định trên toàn tuyến biên giới, tạo mọi điều kiện để người dân và hàng hóa hai bên biên giới qua lại, giao lưu thuận lợi.

Cán bộ, chiến sĩ Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc cho người dân tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia trong hoạt động tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở địa bàn tỉnh Kratie đưa về nước

Chung đường biên giới, chung quyết tâm xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định và phát triển, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước đã phối hợp chuẩn bị, bảo vệ an toàn tuyệt đối và phục vụ Chính phủ 2 nước tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng. Từ đầu năm đến nay, hai bên tiếp tục duy trì tốt việc trao đổi tình hình, tổ chức giao lưu sĩ quan trẻ; thăm, tặng quà Việt kiều, hộ nghèo và chúc tết cổ truyền của nhân dân Campuchia. 

Đặc biệt, trong công tác tìm kiếm, quy tập và cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia về nước, Đội K72 luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ đắc lực từ lực lượng chức năng và nhân dân Campuchia. Thượng tá Nguyễn Ngọc Ánh, Chính trị viên Đội K72 cho biết, dù mới 5 năm trực tiếp tham gia tìm kiếm, quy tập và cất bốc hài cốt liệt sĩ trên đất Campuchia về nước nhưng tôi cảm nhận rõ tình cảm láng giềng thân thiện mà nhân dân Campuchia dành cho Việt Nam. Người dân nơi đây không chỉ giúp đội tìm kiếm, tiếp nhận thông tin, thương thảo đền bù, hỗ trợ khi đội đào bới, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mà còn thường xuyên giao lưu, chia sẻ với đội từng bó rau, củ mì; hỗ trợ thành viên đội tiêm vắc xin phòng Covid-19… Xa gia đình, quê hương, tình cảm người dân nước bạn dành cho mình là liều thuốc tinh thần giúp anh em vững tâm hoàn thành nhiệm vụ. 

Chặng đường hơn 56 năm Ngày Việt Nam - Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao, dù trải qua nhiều thử thách, thăng trầm của lịch sử nhưng tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia vẫn không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành biểu tượng thiêng liêng, tài sản chung vô giá của hai nước. Tài sản ấy vẫn đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, trong đó có tỉnh Bình Phước nghiêm túc giữ gìn và phát huy trên tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Bình Phước luôn ý thức được trách nhiệm phải luôn là "phên giậu" vững bền, "tấm lá chắn" phía Đông Nam của đất nước.

  • Từ khóa
185304

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu