Thứ 5, 09/05/2024 06:35:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 07:18, 26/05/2013 GMT+7

Trẻ học đối phó, lỗi chính từ cha mẹ

Chủ nhật, 26/05/2013 | 07:18:00 666 lượt xem

 

Ăn tối xong, vợ chồng chị Hiền (Hà Đông, Hà Nội) tá hỏa khi con gái kêu mệt, mặt bơ phờ, bụng, ngực lạnh toát. Chỉ đợi bố nói "con nằm nghỉ đi, bài tập để đấy", cô bé leo tót lên giường, cố giấu nụ cười.

Lo lắng, ban đêm, thi thoảng chị Hiền lại sờ người và thấy con ấm bình thường, cháu cũng ngủ ngon. Nhưng buổi sáng, lúc bố mẹ chuẩn bị đi làm thì người con lại lạnh toát giống tối hôm trước, nên anh chị đành để cháu nghỉ học, ở nhà. 

Đến cơ quan, thấy vừa lo, vừa nghi, chị Hiền quay về thì bắt gặp cô con gái đang hí hửng vừa xem TV vừa nhảy nhót, hát hò. Biết ngay con đã bày trò, người mẹ giả vờ gọi điện cho công an đến 'bắt kẻ lừa đảo' và dọa sẽ rút hồ sơ ở trường, cho bé nghỉ học luôn, thì con mới chịu khai. Hóa ra, vì sợ làm bài tập và lo đến lớp cô giáo mắng do chưa học bài, cháu đã áp mặt và ngực, bụng vào nền đá hoa cho lạnh toát, rồi làm ra vẻ mệt mỏi, bơ phờ. 

"Đây không phải lần đầu tiên mình phải đối phó với trò giả vờ để trốn làm bài, đi học của con. Trước đó, cứ mỗi khi không làm bài tập ở nhà hay sợ đến lớp sợ cô truy là nàng ta lại kêu đau bụng. Ban đầu bố mẹ cũng lo, hỏi han, định cho đi khám. Sau, biết tỏng nàng giả bộ, mình đưa đến một bác sĩ quen, nhờ vị ấy dọa cho một trận, là đau bụng thì phải mổ, thì nàng mới thôi", chị Hiền kể. 

Chị cho biết, con gái chị vốn khá thông minh nhưng chỉ học những thứ cháu thích, liên quan đến động vật, sinh học. Cháu sợ phải làm bài tập toán, tiếng Anh và thường tìm lý do để thoái thác. 

"Không hiểu sau lần này con còn bày thêm trò gì nữa không. Mình cũng không biết phải làm thế nào để trị tận gốc chiêu giả vờ của cháu", chị Hiền than.

[Caption]
Đừng để việc học tập trở thành gánh nặng đối với trẻ. Ảnh minh họa: MT.

Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, chuyện bố mẹ đau đầu trước các chiêu trò của trẻ khi không muốn đi học, làm bài khá phổ biến. 

Thực tế, trẻ học không phải như người lớn. Người lớn học với những mục đích cụ thể như để lên lương, thăng chức, tìm cơ hội mới... Những điều đó trẻ không cần. Các cháu thích gì thì làm, không thì thôi. Nếu bị bố mẹ ép làm điều không thích, bắt từ bỏ việc thích, trẻ sẽ tìm cách để chống đối, bằng nói dối, giả vờ... 

Một trường hợp mới đến với trung tâm gần đây là một điển hình. Bà mẹ trẻ đưa cậu con trai 8 tuổi tới gặp chuyên gia kể tội: Cháu trốn học đi chơi nhưng nói dối mẹ là đi học. Khi nhà tâm lý hỏi bé trai lý do làm vậy, cháu hồn nhiên kể: "Ở lớp con đã học hết chương trình, thi xong rồi, giờ chỉ đến chơi, đợi nghỉ hè. Thế mà mẹ cứ bắt con phải đi học thêm. Học thêm làm gì? Con muốn được nghỉ một chút". Lúc được hỏi "Sao con không nói với mẹ như thế?", cậu bé buồn thiu: "Con nói nhiều rồi, nhưng mẹ không muốn nghe". 

Theo thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, trước sự áp đặt của bố mẹ, trẻ chống đối bằng cách trốn, nói dối, nếu không làm thế có lẽ các cháu sẽ ức chế mà sinh các bệnh khác nguy hiểm hơn. 

"Bài khó, con không biết làm, làm sai, bị điểm kém, nói với bố mẹ thì bị mắng, bị ép học, thế là trẻ sẽ không nói nữa hoặc nói dối. Điều này lặp lại thành thói quen, phản xạ", nhà tâm lý nói.

Ông chia sẻ một trường hợp trẻ mới học lớp 1 lấy lý do "đi vệ sinh" mỗi lần bị bố mẹ ép vào bàn.

"Mới đi học nhưng bố mẹ luôn bắt con phải ngồi tập viết, tập đọc hàng giờ vì sợ thua kém các bạn. Cháu chán học, học không vào, bố mẹ càng sốt ruột càng ép. Vậy là mỗi lần ngồi vào bàn, cứ 5 phút cháu lại xin đi vệ sinh, và điều lạ là, bố mẹ ra kiểm tra thì thấy đúng là cháu có tiểu ra thật", ông kể. 

Theo thạc sĩ Chuẩn, chính sự áp đặt, ép, phạt của bố mẹ đẩy trẻ đến các chiêu trò đối phó. Vì thế, bố mẹ phải thay đổi trước. Thay vì trách mắng, phạt, hãy hỏi xem con khó chỗ nào, tìm giải pháp giúp con. Có như thế, lần sau, khi gặp vướng mắc, con sẽ lại tìm đến bố mẹ, thấy gia đình là nơi an toàn, nơi có thể giúp con trước các tình huống khó. 

Ngôi nhà là tổ ấm, là nơi trẻ tìm thấy sự an toàn, thoải mái, để con có thể bộc lộ hết bản thân, có thể kể cho bố mẹ biết những khuyết điểm, tật xấu của mình mà không sợ bị kết tội, trách phạt. Nếu trẻ phải đối phó trong gia đình, kiểu khôn nhà dại chợ, thì sẽ rất nguy hiểm. "Việc phải đối phó với người thân là một báo động về cách ứng xử của bố mẹ với con cái", nhà tâm lý nói. 

Để tạo cho con sự tin tưởng, an toàn, không phải tìm cách đối phó với bố mẹ, phụ huynh cần cố gắng luôn giữ bình tĩnh với con, lắng nghe con trình bày, kể cả trước những sai sót, lỗi lầm của trẻ.

"Tất nhiên, để làm được điều này không dễ dàng, nhất là sau một ngày mệt nhoài với công việc, rồi phải chịu đựng cảnh tắc đường và tất bật lo bao việc khi về đến nhà. Điều đó đòi hỏi bạn phải có ý chí thép, sự rèn luyện, và một tình yêu con bao la", nhà tâm lý chia sẻ.

(Theo VNExpress)

  • Từ khóa
107298

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu