Thứ 6, 03/05/2024 01:39:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp 06:47, 11/11/2020 GMT+7

GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Thứ 4, 11/11/2020 | 06:47:00 1,000 lượt xem
BPO - Trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, Đảng ta đã khẳng định: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Trung ương và cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Cụ thể, trong bản dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, ở đoạn văn thứ nhất của mục 2.9 với tiêu đề “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, có nội dung như sau:

…Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị. Kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và kịp thời khắc phục những bất cập trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ. Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; từ đó hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để tiến tới không thể tham nhũng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách có chức năng phòng, chống tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động của thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra Đảng với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, phát hiện, xử lý tham nhũng. Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngoài khu vực nhà nước; tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Từ đó nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, để không dám tham nhũng, lãng phí…

Theo ý kiến của cá nhân tôi, ở đoạn văn đầu của mục này nặng về lý luận, giải thích chứ không phải là giải pháp. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ đoạn văn này và trong bài góp ý này tôi đã bỏ không trích dẫn phần này. Đối với những đoạn văn còn lại và theo thứ tự như trích dẫn nêu trên, tôi đề nghị viết lại theo hướng như sau: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền phải nâng cao nhận thức về tác hại của bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm. Đề cao trách nhiệm cá nhân, trước hết, bản thân người đứng đầu phải kiên quyết nói không với tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; nêu gương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Trong thực hiện trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý luôn có biện pháp cụ thể, gắn yêu cầu, kết quả công việc với yêu cầu về chống lãng phí, tham nhũng; làm việc có chương trình, kế hoạch, mục tiêu, thời hạn và định mức, kết quả cụ thể, bảo đảm nói đi đôi với làm. 

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi về kế toán, kiểm toán,… đủ khả năng phát hiện, đấu tranh với những vi phạm về kinh tế - xã hội ngày càng tinh vi, nhất là về kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, tội phạm sử dụng công nghệ cao,… Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng nhà nước, cơ quan tham mưu về phòng, chống tham nhũng trong đấu tranh, phát hiện vi phạm. Bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật một cách đồng bộ. Ưu tiên, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Ngân sách, các quy định về quản lý tài chính, thu, chi, mua sắm, đầu tư công; Luật Phòng, chống tham nhũng, thể chế quản lý, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, cơ chế, chính sách để kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đầu tư xây dựng,…

Đổi mới hình thức giám sát để phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử và MTTQVN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sớm xây dựng và ban hành quy chế nhân dân giám sát tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Quy định và có biện pháp cụ thể bảo vệ an toàn những cán bộ, đảng viên, người dân dũng cảm tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí và kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Coi trọng biện pháp kê khai tài sản và quản lý việc kê khai, có biện pháp đấu tranh hiệu quả để chống việc kê khai không trung thực cả về chính trị và kinh tế. Chuẩn bị tích cực, thúc đẩy nhanh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách cán bộ gắn với đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí chủ nghĩa cá nhân,…

Cần đánh giá đúng đặc điểm của tổ chức, bộ phận, vị trí công tác dễ xảy ra vi phạm để có sự phân công, bố trí và có biện pháp đánh giá, xác định và xử lý nghiêm từ khi mới manh nha dấu hiệu vi phạm. Đổi mới phương pháp, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với một số lĩnh vực trọng điểm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; có biện pháp đánh giá, xác định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây lãng phí tài sản công. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm của cá nhân và tập thể gắn với quy trình, trách nhiệm người đứng đầu là đòi hỏi cấp thiết để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng hiện nay. Đồng thời, thực hiện duy trì chặt chẽ thi hành kỷ luật đảng ngay từ cơ sở; đổi mới hình thức quản lý đảng viên, bảo đảm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ chi bộ, từ các tổ chức cơ sở đảng.  

Nhật Minh (Đồng Phú)

  • Từ khóa
112304

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu