Thứ 6, 03/05/2024 09:28:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp 09:02, 06/11/2020 GMT+7

GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Các khâu đột phá chiến lược bảo đảm đổi mới toàn diện, đồng bộ

Thứ 6, 06/11/2020 | 09:02:00 1,287 lượt xem

3 - Đột phá về kiến thiết và phát triển môi trường kinh tế - xã hội song hành và đồng bộ với môi trường chính trị - văn hóa Việt Nam

Không một cuộc vận động chính trị nào có thể thành công, nếu không xây dựng thành công môi trường xã hội chính trị tương dung và lôi cuốn toàn xã hội tham gia. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ của chúng ta càng đòi hỏi như vậy. Toàn bộ công cuộc đổi mới, dù được hoạch định và tổ chức thực thi hoàn bị bao nhiêu mà không có sự tham dự của nhân dân đông đảo, chắc chắn rất khó thành công, nếu không nói cầm chắc thất bại. Nghĩa là không để ai có thể “đứng ngoài chính trị”, dưới bất cứ hình thức nào.        

Giữa thế giới toàn cầu hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam phải trở thành tấm căn cước dân tộc trong cuộc chủ động hội nhập toàn cầu. Không có căn cước thì rất dễ bị hòa tan, thậm chí vô hình biến thành “sân sau”, trở thành nô lệ cho người khác, dù ngoài ý muốn. Linh đơn của tấm căn cước ấy không gì khác là văn hóa Việt Nam. Đó là viên linh đơn văn hóa dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta. Vì, để trở thành một cường quốc kinh tế, người ta chỉ cần từ 30 đến 50 năm, nhưng để có một nền văn hóa phải cần tới cả ngàn năm. Chung quanh vấn đề này, có 3 phương diện nổi bật cần nhận diện, xác quyết và tập trung giải quyết:  

Một là, vị thế địa - chính trị chiến lược của đất nước đã ban tạo cho dân tộc ta cơ hội, thực lực kiến tạo và phát triển một nền văn hóa bản sắc và hiện đại Việt Nam, thâu hóa tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho mình, nhưng xử lý ra sao trước vấn đề giao thoa văn hóa, an ninh văn hóa và tiếp biến, hấp thụ tinh hoa văn hóa thế giới nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc và hiện đại - nền tảng tinh thần xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế trong một “thế giới phẳng” và không phẳng. Văn hóa là nền tảng, văn hóa là sự khác biệt, sức mạnh văn hóa Việt Nam nằm ở chính chỗ này, chứ không phải là sự rập khuôn, lai căng, nguy cơ mất gốc. Điều này không hề đối lập với tinh thần tiếp biến, giao lưu văn hóa quốc tế, để làm phong phú và khẳng định chỗ đứng của văn hóa trong xu thế hội nhập toàn cầu. Trái thế, nhất định rơi vào vũng bùn của sự thất bại từ căn cơ.

Hai là, ở vị thế địa - văn hóa, địa - quốc phòng, chúng ta chống xâm lăng văn hóa nhưng đồng thời văn hóa hóa văn hóa xâm lăng một cách chủ động, nhằm nâng cao sự tự đề kháng và an ninh của văn hóa Việt Nam trong cuộc toàn cầu hóa trước mọi thứ văn hóa xâm lăng, nô dịch tới từ bất cứ phía nào. Một nền văn hóa Việt Nam không dịch chuyển, khác với tất cả các nền văn hóa khác, thích ứng với mọi thay đổi - đó là nền văn hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập cần hướng tới và kiên quyết xây dựng. Chỉ có như thế, dân tộc mới đứng vững, cho dù sóng gió của cuộc hội nhập thế giới có thách thức “mất, còn” đối với dân tộc thế nào, cho dù những đợt sóng của cuộc “động đất lịch sử” khi các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, những cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu những năm 1998, 2008 có dập vùi đe dọa “sinh, tử” đất nước tới đâu. 3 thập kỷ qua, đất nước đứng vững và phát triển cũng một phần vì đó và nhờ đó. 

Ba là, vấn đề văn hóa đạo đức trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chính trị lúc này là đạo đức. Một môi trường phi đạo đức là môi trường phi chính trị, phi kinh tế. Càng phát triển kinh tế thị trường, càng hội nhập quốc tế, trực tiếp là hội nhập kinh tế, chúng ta càng cần đạo đức Việt Nam tỏa sáng, một thành tố của kinh tế, bảo đảm phát triển kinh tế và trở thành lực lượng kinh tế. Giáo dục và thực hành đạo đức trong Đảng lan tỏa trong toàn xã hội, tạo cơ sở, nền tảng và môi trường để xây dựng đạo đức trong Đảng và xây dựng Đảng về đạo đức, trực tiếp phát huy giá trị văn hóa đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế theo các đặc trưng của văn hóa, các giá trị nhân cách của con người Việt Nam truyền thống và hiện đại. Nếu không chung sức vun đắp xây dựng một nền văn hóa cao cả về tầm nhìn, uyên bác về trí tuệ, cao quý về nhân văn, cao thượng về nhân cách và mỗi người Việt Nam luôn khắc sâu trong tâm khảm mình tình yêu thương đồng bào, có trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân loại thì chắc chắn chúng ta khó có thể nói tới một Việt Nam phát triển phồn vinh một cách bền vững và nhân văn.

Toàn thể đồng bào ta dù ở trong nước hay ở nước ngoài… tùy theo sức và điều kiện của mình, tất cả tu dưỡng đạo đức trong lao động, trong ứng xử, trong công tác và học tập. Rường cột là, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và cộng đồng phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, phẩm hạnh và nhân cách và chịu trách nhiệm trước nhất về đạo đức của mình, của đơn vị, cơ quan và cộng đồng mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Cùng với tu dưỡng đạo đức, mỗi đảng viên tự nâng mình về mặt trí tuệ, uy tín và danh dự để thực sự là người dẫn dắt, xứng tài sáng đức, để đạo đức tỏa sáng hơn. Theo nghĩa nào đó, ấy chính là đạo đức, cũng chính là quyền uy trí tuệ, chính là uy vũ. Cổ nhân lại nói rằng: Đạo đức bao giờ cũng thắng uy vũ, nhưng đạo đức thiếu uy vũ thì nhiều khi chỉ là đạo đức nhu nhược; và rằng, đạo đức không có tài năng là có bộ giáp và không có kiếm, mà khi không có kiếm, đúng là chỉ bảo vệ được người mặc, nhưng sẽ không cho phép anh ta bảo vệ được bạn bè. Rốt cuộc, chúng ta không cần thứ đạo đức ấy.

Không có văn hóa Việt Nam dân tộc và hiện đại chúng ta sẽ không có gì cả, càng không thể nói tới công việc đổi mới chính trị, kinh tế hay bất cứ phương diện nào khác, như mong muốn! Văn hóa là nguồn lực chiến lược cho phát triển đất nước ta trong thế kỷ XXI. Và điều lớn nhất là, xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trở thành thương hiệu quốc gia đặc sắc, nhưng có giá trị vật chất đặc biệt, riêng có, mang bản sắc Việt Nam.

Các cấp ủy lấy việc giáo dục đạo đức thực hành và tổ chức thực hành đạo đức trong Đảng làm khâu then chốt thúc đẩy văn hóa đạo đức trong Đảng và lan tỏa toàn xã hội sống và hành động một cách đạo đức, khắc phục tình trạng đạo đức xuống cấp, kiên quyết xử lý sự suy đồi đạo đức ở một bộ phận, ngăn chặn và tẩy trừ những suy nghĩ và hành động phi đạo đức, bảo đảm cho Đảng đề kháng hữu hiệu âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam sâu sắc và phong phú hơn. Mỗi tổ chức, từng cơ quan, đơn vị, mỗi cộng đồng phải là một môi trường đạo đức trong sạch, văn minh, hiện đại và mẫu mực. Nhắc lại một lần nữa lời của cổ nhân: Đạo đức ở tất cả mọi quốc gia là sản phẩm của pháp luật và chính quyền, nhưng xin được bổ sung: là phẩm giá của nhân dân. Vì thế, nhân dân, trực tiếp là công luận, tạo nên dư luận xã hội sâu rộng giám sát đạo đức đảng viên, tham gia xây dựng Đảng, bồi đắp và phát triển đạo đức xã hội - cơ sở vững chắc phát triển đạo đức của Đảng và trong Đảng - rường cột của môi trường chính trị - đạo đức - xã hội hiện nay và tương lai.           

Đó là thách thức chủ yếu trong cuộc kiến tạo và phát triển môi trường văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa đạo đức, văn hóa ngoại giao Việt Nam… góp phần làm nên bản lĩnh chính trị Việt Nam, sức mạnh văn hóa Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, trực tiếp phát triển nền tảng tinh thần xã hội, tạo nên xung lực mới của công cuộc đổi mới. Mặt khác, đó cũng chính là khâu đột phá ngõ hầu góp phần gìn giữ và phát triển môi trường chính trị - xã hội - kinh tế quốc tế hiện đại, ở khu vực hay trên tầm vóc toàn cầu, mà chúng ta phải tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất.

TS Nhị Lê
Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

  • Từ khóa
112195

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu