Thứ 6, 03/05/2024 07:29:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp 08:30, 05/11/2020 GMT+7

GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Các khâu đột phá chiến lược bảo đảm đổi mới toàn diện, đồng bộ

❏ TS Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản
Thứ 5, 05/11/2020 | 08:30:00 1,266 lượt xem
BPO - Sự tiếp tục thành công của công cuộc đổi mới sẽ là ảo tưởng, khi thiếu các nhân tố cần và đủ mang ý nghĩa chiến lược, xét trong chỉnh thể sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ và bền vững của đất nước. Nhưng ở đây, những vấn đề mang ý nghĩa phương pháp về nhận diện và thực thi những khâu đột phá chiến lược lại giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc kiến tạo, xử lý các nhân tố cần và đủ mang tính quyết định thành công.

Chung quanh việc lựa chọn đột phá chiến lược, nổi bật 3 khâu đột phá hay 3 “mắt xích” của sợi dây chuyền tổng thể, cần phải nắm lấy:

1 - Ðột phá về thể chế chính trị, kinh tế và xã hội

Trong công cuộc đổi mới, trước hết và trung tâm là vấn đề thể chế. Tiếp cận dưới góc độ chính trị, xã hội, thể chế chính là cái tạo thành khung khổ trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn cho phép của các quan hệ giữa các bên (cá nhân, tổ chức, giai tầng, quốc gia…) tham gia các quá trình tương tác; đồng thời là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được mọi nhân tố chia sẻ và hành động… Như vậy, thể chế hiểu theo nghĩa nêu trên chính là những nguyên tắc (không phân biệt hình thức của nguyên tắc) về cách cư xử, tương tác trong xã hội, được hình thành từ thực tiễn trong các phạm vi quan hệ của con người, được xã hội chấp nhận và chỉ dẫn cho mối quan hệ qua lại của con người.  

Chúng ta nhất thiết đổi mới theo hướng đó. 

Kinh nghiệm lịch sử gần 35 năm đổi mới vừa qua, càng cho thấy, không nhận diện đúng và đổi mới thể chế chính trị, kinh tế, xã hội… và những vấn đề xung quanh chúng, không thể nói tới vấn đề đổi mới đúng, trúng và hiệu quả các phương diện trên, trong đời sống chính trị, xã hội và đối ngoại của đất nước. Liên quan tới công cuộc này, có thể nói, bao hàm 4 nhân tố rường cột cấu thành thể chế đất nước và chi phối việc đổi mới thể chế: 1 - Thể chế kinh tế giữ vai trò nền tảng; 2 - Đến lượt nó, thể chế chính trị giữ vị thế trung tâm; 3 - Thể chế xã hội giữ vai trò động lực chủ yếu; 4 - Thể chế chính trị quốc tế giữ vai trò động lực quan trọng. 

Do đó, một cách tự nhiên, không kiến tạo và đổi mới các thể chế liên quan tới thể chế một cách đồng bộ, chúng ta không thể đổi mới thể chế chính trị như mong muốn, càng không thể đổi mới thể chế kinh tế… trên tầm quốc gia một cách toàn diện, đồng bộ, thống nhất và tương xứng. Đó là lẽ tự nhiên. Vì, các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hơn 60 năm trước, trong cuộc kiến thiết nước nhà, “phải được chú ý đến” và cần “coi trọng ngang nhau” một cách tổng thể và hài hòa. 

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, xử lý mối quan hệ tổng thể đó như thế nào? Điều đó lại hoàn toàn tùy thuộc vào việc lựa chọn thứ tự ưu tiên các vấn đề phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. Ở vào thời khắc chúng ta khởi động công cuộc đổi mới tháng 12-1986, kinh nghiệm lựa chọn đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, giải quyết sự khủng hoảng kinh tế đất nước nổi lên cấp bách, là ưu tiên số 1. Đồng thời, chủ động giải quyết đồng bộ các vấn đề khác, đã để lại một bài học lớn về phương pháp luận và tổ chức thực tiễn, trên phương diện này, cho hiện nay và tương lai về phương pháp luận.      

Vì vậy, hiện nay, khi công cuộc đổi mới trải gần 35 năm, vấn đề tiếp tục đổi mới chính trị đồng bộ với kinh tế và xã hội trở nên quan thiết trong tổng hòa sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ, trên cơ sở tiếp tục đột phá và tạo sự bứt phá về kinh tế làm nền tảng công cuộc đổi mới một cách mạnh dạn và kiên quyết, với động lực của cuộc cách mạng 4.0 và trí tuệ nhân tạo, trong hội nhập quốc tế. Đó là biện chứng của sự phát triển trong công cuộc đổi mới hiện nay. Nói cách khác, đó là toàn bộ các “cái mắt xích” quan trọng nhất trong toàn bộ sợi dây chuyền sự nghiệp đổi mới sau gần 35 năm mà chúng ta phải đột phá, nếu muốn tạo nên cú “huých” đối với sự phát triển một cách chủ động, toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, trong tầm nhìn trước mắt tới năm 2030.

2 - Ðột phá kiến tạo đội ngũ các nhà chính trị chuyên nghiệp, các nhà khoa học trong Chiến lược phát triển nhân tài quốc gia, đồng thời đổi mới cơ chế mối quan hệ chính trị và kỹ trị

Nói tới đổi mới toàn diện, đồng bộ càng không thể không nhấn mạnh trước hết tới đội ngũ các nhà chính trị, các kinh tế gia, khoa học gia ở tầm chiến lược, với tư cách là chủ thể quyết định mô hình thể chế chính trị, làm chủ sự vận hành và sức mạnh của nền kinh tế và xã hội quốc gia. Ở họ không chỉ hội tụ và thể hiện quyền lực của nhân dân mà còn thể hiện quyền năng và quyền lực của nền chính trị, quyền lực nền kinh tế quốc giaquyền uy cá nhân, với tư cách là nhà chính trị và nhà khoa học. 

Do đó, trọng tâm của công việc đổi mới hiện nay không thể không dành sức lực và điều kiện trước hết và thường xuyên để làm tốt nhân tố có ý nghĩa quyết định thành bại mang tầm chiến lược này. 

Trước hết, trong đổi mới tư duy chính trị, tiếp tục đổi mới tư duy về chính trị gia, nhất là tư duy về thủ lĩnh chính trị, tức là đội ngũ những người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy chính trị cao cấp, chiến lược của nền chính trị hiện đại nước nhà, theo hướng chuyên nghiệp hóavăn hóa hóa

Nếu xem chính trị, với nghĩa rộng nhất, như người xưa nói là: “Chính trị là chính trực. Nếu lấy chính trực mà hành xử, mà điều hành chính sự thì có ai dám không chính trực” (Chính giả, chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính?) thì tham chính là một công việc chính trực nơi chính trường phức tạp. Nói cụ thể, theo nguyên nghĩa, tham gia chính trị là chỉ làm mọi công việc chính đáng mà thôi. Do đó, chính trị là một nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp tinh hoa và những người làm chính trị phải là những phần tử tinh hoa có tầm nhìn, chính trực và liêm chính.   

Vì vậy, trước hết cần xây dựng bộ tiêu chí của một nhà chính trị, yêu cầu của những lĩnh vực chính trị cơ bản và chủ yếu, các chức danh chính trị… phù hợp với nền chính trị của chúng ta. Trong đó, phẩm chất cơ bản là tầm nhìn chiến lược, sự dũng cảm, danh dự và liêm sỉ chính trị gia phải được ưu tiên hàng đầu. Kinh nghiệm lịch sử luôn cho thấy, ngay từ rất xa xưa, ở các thể chế văn minh, người ta thật xem trọng sự ngay thẳng, trong sạch về phẩm hạnh của chính trị gia. 

Hai là, thông qua mọi con đường phát hiện, thu hút, tập hợp những người có năng khiếu chính trị, những người có nguyện vọng làm các công việc chính trị… ở tất cả mọi nơi, đối với mọi lứa tuổi, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Đối với đội ngũ khoa học gia, tập trung xây dựng đội ngũ này trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học nhân văn, khoa học kinh tế và khoa học y tế, theo hướng đi tắt đón đầu, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ theo nhịp phát triển của thế giới. Vấn đề này có ý nghĩa thành bại trong cuộc xây dựng một nước công nghiệp, hiện đại, trong bối cảnh công nghiệp 4.0. 

Nghĩa là, cần xác lập cơ chế tuyển dụng nhân tài một cách dân chủ và phù hợp. Ở đây, tối thiểu với 7 “con đường”: thi tuyển, tranh tuyển, ứng tuyển, tiến tuyển, bổ tuyển, bầu tuyển, cử tuyển, để tuyển chọn. Sử dụng, kiểm tra họ thật đúng đắn trên chính trường, trong công việc một cách phù hợp, theo phương châm “5 hóa”: tiêu chuẩn hóa, khoa học hóa, dân chủ hóa, kiểm nghiệm hóa, trách nhiệm hóa.  

Ba là, đổi mới mối quan hệ giữa chính trị và khoa học, trước hết là mối quan hệ giữa chính trị gia và khoa học gia, một cách dân chủ và hài hòa. Đó chính là vấn đề chính trịkỹ trị. Hơn lúc nào hết, cơ chế bảo đảm mối quan hệ giữa chính trị và khoa học phải được đặt ra và giải quyết một cách ngang tầm.

Bốn là, đối đãi với những người làm chính trị, những nhà khoa học, nhất là những chính trị gia, những khoa học gia trên những lĩnh vực khoa học công nghệ, thật ngang tầm và xứng đáng. Đồng thời, trên nền tảng pháp quyền, xử lý thật nghiêm minh những nhà chính trị làm tổn hại uy tín và sức mạnh nền chính trị đất nước; bảo vệ những khoa học gia một cách chủ động và chặt chẽ. 

Đây là công việc then chốt của thể chế kiến tạo và phát triển chiến lược con người, có ý nghĩa thành bại của tiến trình đổi mới đất nước. (còn nữa)

  • Từ khóa
112163

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu