Thứ 6, 03/05/2024 09:51:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp 15:08, 02/11/2020 GMT+7

GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Hội nhập quốc tế phải thận trọng

Thứ 2, 02/11/2020 | 15:08:44 1,734 lượt xem
Từ ngày 20-10-2020, toàn văn các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Là cán bộ hưu trí, tôi xin đóng góp một vài ý kiến nhỏ vào bản dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 như sau:

Trong phần đánh giá kết quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tại mục 8 trang 20, 21, 22 “Về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hội nhập quốc tế”, dự thảo đánh giá: “Tư duy và chiến lược về đối ngoại và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới, đi vào thực chất hơn…”; “Đối ngoại và hội nhập quốc tế đã được triển khai chủ động, tích cực, toàn diện, đồng bộ và đạt kết quả quan trọng trên nhiều mặt… nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa…”; “Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh toàn diện, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia…”.

Lãnh đạo 2 tỉnh Bình Phước và Jeollanam (Hàn Quốc) ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển chung trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi - Ảnh: Đoàn HùngTôi đồng tình với sự đánh giá của dự thảo văn kiện trong lĩnh vực đối ngoại. Rõ ràng, nhiệm kỳ vừa qua đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nhận thức cũng như lý luận về hội nhập quốc tế khi Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Lần đầu tiên Đảng ta khẳng định “Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và hệ thống chính trị”. Trong nhiệm kỳ qua, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh toàn diện, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Cho dù trong phần đánh giá những hạn chế, yếu kém về hội nhập quốc tế, dự thảo văn kiện đánh giá: “Quan hệ đối ngoại có mặt còn hạn chế; chưa khai thác và phát huy hiệu quả các quan hệ lợi ích đan xen, ổn định với các đối tác quan trọng”; “chưa có giải pháp đồng bộ để hạn chế các tác động tiêu cực, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế. Mức độ hội nhập một số lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa cao…”, nhưng nhiệm kỳ vừa qua vẫn ghi dấu ấn đậm nét những thành quả của công tác đối ngoại. Điều đó được thể hiện qua các sự kiện quốc tế lớn do Việt Nam đăng cai như: APEC năm 2017, WEF ASEAN năm 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai năm 2019, Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như các vấn đề đột xuất, nhạy cảm, mới nảy sinh, đặc biệt là trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã kịp thời hỗ trợ bạn bè, đối tác trong phòng, chống dịch bệnh khá hiệu quả, thể hiện hình ảnh Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, chế độ ưu việt của Việt Nam và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Một trong những chiến lược đột phá về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Đảng ta xác định “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”. Theo đó, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề xuất nâng tầm hội nhập quốc tế lên mức cao hơn với việc bổ sung thêm nội dung “toàn diện, sâu rộng”. Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, là một bước chuyển tư duy mang tính đột phá chiến lược. Tuy nhiên, thế giới đang chuyển động rất nhanh, khó lường đoán, nhiều yếu tố khách quan và chủ quan vốn là cơ sở thực tiễn và là điều kiện để triển khai hội nhập chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức hơn, đòi hỏi phải xem xét sâu sắc, thận trọng chủ trương này.

Trịnh Thị Tâm

  • Từ khóa
112119

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu