Thứ 6, 03/05/2024 07:28:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp 08:20, 30/10/2020 GMT+7

GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam

Thứ 6, 30/10/2020 | 08:20:00 1,373 lượt xem
Cần trở lại nguyên lý thực tiễn: Quản trị và phát triển một khuôn khổ pháp lý thống nhất cho mọi loại hình và khu vực doanh nghiệp, không phân biệt đối xử và càng không có ngoại lệ, cố nhiên ở đây trước hết là doanh nghiệp tư nhân và rộng hơn là kinh tế tư nhân. Đây là vấn đề cần được nhấn mạnh hơn hết lúc nào.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp FDI góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Trong ảnh, sản phẩm ván ép xuất khẩu của Công ty cổ phần MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng III, huyện Chơn Thành - Ảnh: Thanh Mảng

Cùng với vị thế và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, với tư cách là động lực chủ, Việt Nam cần nắm lấy và phát triển mạnh mẽ một cách tất yếu động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Đó là kinh tế tư nhân. Nhưng, phải sau hơn 30 năm đổi mới, tháng 6-2017, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó là bước tiến tất yếu quan trọng trong nhận thức và tổ chức thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn bị và hiện đại. Vì sao như vậy?

Ngày nay, ở các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 85% GDP, là trụ cột đảm bảo cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh. Các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều xác định kinh tế tư nhân là động lực, là xương sống của nền kinh tế. Từ đó, Nhà nước tạo mọi điều kiện cho thành phần kinh tế này phát triển. Nhờ vậy, giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đều đạt 2 con số, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Đồng thời, bằng chính sách điều tiết thu nhập các giai tầng trong xã hội, khát vọng làm giàu của con người ở các quốc gia phát triển là nhân tố đóng vai trò quan trọng, tạo tiềm lực tài chính để thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội tiến bộ. Điển hình là Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Phần Lan…

Ở trong nước, khu vực FDI chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 70% giá trị xuất khẩu. Để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu và lệ thuộc vào khu vực FDI, lẽ tất yếu phải đặt kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân đúng vị thế vốn có của nó trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang kiên định và nỗ lực kiến tạo, mà lâu nay đang bị những “rào cản” không đáng có ngăn trở. Đồng thời, cần lường trước hệ quả hậu FDI không chỉ về kinh tế mà cả về môi trường sinh thái và xã hội.

Vì sao hằng năm, một số lượng rất lớn doanh nghiệp tư nhân của chúng ta phải ngừng hoạt động hoặc bị giải thể? Trong hai năm 2017-2018, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động so với số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 47,73% và 69,05%; gần 50% doanh nghiệp của tư nhân kinh doanh thua lỗ. Trong những năm gần đây, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP có xu hướng giảm, từ 43% (1995), 39% (2010) và 38% (2017). Tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong GDP chỉ 8,64% (2017). Chúng ta phải trả lời và tháo gỡ, nếu muốn và kỳ vọng kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế quốc gia.

Trong khoảng 2 thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm tuy đạt 6,8% - mức cao trên thế giới, nhưng mức thu nhập GDP theo đầu người của Việt Nam đứng thứ 136/168 (năm 2018) nước tham gia xếp hạng của thế giới. Mặc dù kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, nhưng xét theo số tuyệt đối, GDP bình quân đầu người của thế giới ngày một doãng xa so với Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam là 3.900 USD, nay đã bỏ xa tới hơn 7.500 USD, tức gần gấp đôi.     

Vì thế, để trân trọng khát vọng làm giàu chính đáng của người dân thì đồng thời cần dỡ bỏ những rào cản về tâm lý, cải cách mạnh mẽ về thể chế, phát triển kinh tế tư nhân với tư cách là động lực phát triển của nền kinh tế quốc gia. Từ thực tiễn phát triển mấy thế kỷ của kinh tế thị trường trên thế giới, cùng những thành công và chưa thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế, càng cho thấy chỉ khi kinh tế tư nhân được phát triển theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường mới có thể đẩy nhanh tốc độ vươn tới dân giàu, nước mạnh. Tuy nhiên, để làm việc đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo các điều kiện cần và đủ trong sự vận hành khoa học của thể chế nhà nước. Nói cụ thể, ở đây, trên bình diện này, đặc biệt là về việc giảm tệ hành chính quan liêu, các thể chế kinh tế của Việt Nam cần được hiện đại hóa và cần được cải cách liên tục theo hướng bình đẳng về khuôn khổ pháp lý, cởi bỏ những rào cản về tâm lý, để cho phép khu vực tư nhân phát triển thịnh vượng. Trong thực tiễn, qua 9 tháng của năm 2019, khu vực tư nhân đã và đang thêm sức sống đáng ghi nhận: đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh nhất. Từ đó, tạo động lực cho nhà đầu tư toàn xã hội; hứng khởi kinh doanh tăng được thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng. Sức sống, sáng tạo, linh hoạt và thích nghi trong bối cảnh mới như thực hiện dự án hạ tầng lớn, khai thác các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ hiện nay và cả tương lai. 

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đầu tư nhà nước và đầu tư FDI cũng không còn là động lực đáng phải kỳ vọng cho tăng trưởng. Nguyên do là, việc giải ngân vốn đầu tư công chỉ bằng 69,2% kế hoạch và chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, còn đầu tư FDI đang cho thấy đà suy giảm, với số vốn đăng ký mới giảm 14,6%. Điều này đồng nghĩa với việc quy mô các dự án FDI đang giảm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư FDI đang phân nhỏ dự án để tránh rủi ro và với quy mô dự án nhỏ, giảm dần đang thách thức việc nghiên cứu, phát triển và khả năng chuyển giao công nghệ khiến chúng ta có quyền nghi ngờ về chất lượng dự án và cách thức FDI đầu tư tại Việt Nam. Hơn nữa, xét trên khía cạnh quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, có thể nhận thấy sự vượt trội của nhóm Trung Quốc (đại lục, Hồng Kông, Đài Loan) khi họ chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư trong 10 tháng, mà không thấy Mỹ và châu Âu ở khu vực này. Ở góc độ rộng hơn, tỷ lệ công nghiệp hóa/GDP trong giai đoạn 2011-2020 được các chuyên gia ước tính vào khoảng 39%, tức thấp hơn so với 40% mục tiêu của chương trình phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ/GDP trong cùng giai đoạn đạt tới 45%, tức đạt mục tiêu của các kế hoạch 10 năm qua. Đưa ra một vài số liệu nêu trên để thấy, trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam mới “dịch vụ hóa” nền kinh tế chứ không phải “công nghiệp hóa”. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn, thì số lượng những doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chưa đủ lớn và mạnh để tạo đà thực sự cho phát triển công nghiệp. Miếng bánh dành cho các doanh nghiệp FDI, nay đã đóng góp 50% giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam. 

Từ thành tựu của kinh tế tư nhân và những bất cập trong việc phát triển thành phần kinh tế này, một cách tự nhiên, cần xử lý mối quan hệ giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, trực tiếp là doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Đột phá về phương diện thể chế, trước hết là phương diện pháp luật, các hình thức hợp tác công tư, tới phân bổ các lĩnh vực, ngành kinh tế, bảo đảm điều kiện bảo đảm mối liên kết giữa các doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh… là những vấn đề cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa thành bại. Đồng thời, tập trung khai thông các “điểm nghẽn mạch” để tạo hành lang pháp lý phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng hợp thành hệ động lực phát triển của nền kinh tế đất nước một cách xứng đáng. 

Nói khái quát, từ sự phân tích một cách khách quan và bước đầu thực tiễn nêu trên lại càng cho thấy và đủ để nhấn mạnh rằng, chúng ta dứt khoát chuyển mạnh từ tư duy tồn tại sang tư duy cơ cấu đồng thời với tư duy động lực (nguồn động lực, hệ động lực, vùng động lực…) nhằm phát triển kinh tế thị trường hiện đại hoàn bị, với xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số, với động lực lớn là kinh tế tư nhân cùng các thành phần kinh tế khác, bằng những đột phá chủ lực, dưới sự dẫn dắt của kinh tế nhà nước là chủ đạo, làm nền tảng căn bản đổi mới toàn diện, đồng bộ và mạnh mẽ nền kinh tế quốc gia. Đó là một động lực làm nên không chỉ diện mạo mà còn tạo nên sức mạnh và tương lai 25 năm tới của nền kinh tế nước ta.

TS. Nhị Lê,
nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

  • Từ khóa
112118

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu