Thứ 2, 01/07/2024 01:07:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 16:07, 28/06/2024 GMT+7

Nam Phi thử nghiệm tiêm chất phóng xạ vào sừng tê giác để ngăn săn trộm

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Xinhua, ABC News)
Thứ 6, 28/06/2024 | 16:07:11 313 lượt xem
Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi đã tiêm chất phóng xạ vào sừng của 20 con tê giác. Động thái này nằm trong dự án nghiên cứu dài nửa năm nhằm giảm nạn săn trộm sừng tê giác.

Tê giác trắng tại Limpopo, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVNCác máy dò bức xạ lắp đặt ở biên giới quốc gia sẽ giúp phát hiện ra những chiếc sừng được tiêm phóng xạ để giúp chính quyền bắt giữ kẻ săn trộm và buôn lậu.

Dự án có tên Rhisotope tại Đại học Witwatersrand (Nam Phi), có sự tham gia của các bác sĩ thú y và chuyên gia hạt nhân. Từ ngày 24-6, những con tê giác trong dự án được gây mê, sau đó nhóm nghiên cứu sẽ khoan một lỗ vào sừng của chúng và chất phóng xạ được đưa vào một cách cẩn thận.

Giáo sư Nithaya Chetty tại Đại học Witwatersrand cho biết liều lượng phóng xạ đưa vào sừng tê giác rất thấp và tác động tiêu cực tiềm tàng đối với động vật đã được thử nghiệm rộng rãi.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Witwatersrand hy vọng quá trình này có thể được nhân rộng để cứu các loài hoang dã khác như voi và tê tê khỏi săn trộm. Khoảng 11.000 máy dò bức xạ sẽ được lắp đặt tại các sân bay, cầu cảng và cửa khẩu.

Theo số liệu của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), vào đầu thế kỷ 20, quần thể tê giác toàn cầu ở mức khoảng 500.000 con. Hiện con số này ở mức khoảng 27.000 do nhu cầu sừng tê giác trên thị trường chợ đen vẫn tiếp tục tăng.

Nam Phi có số lượng tê giác lớn nhất với ước tính khoảng 16.000 con, khiến nơi đây trở thành điểm nóng khi hơn 500 con tê giác bị giết hàng năm. Nạn săn trộm tê giác tại Nam Phi giảm đáng kể vào khoảng năm 2020 ở đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, nhưng con số này đã dần tăng lên.

Mặc dù ý tưởng này nhận được một số người trong ngành ủng hộ, nhưng cũng vấp phải chỉ trích. Ông Pelham Jones, Chủ tịch Hiệp hội chủ sở hữu tê giác tư nhân, là một trong những người chỉ trích Dự án Rhisotope. Ông nói: “Những kẻ săn trộm đã tìm ra nhiều cách để vận chuyển sừng tê giác ra khỏi đất nước, ra khỏi lục địa mà không cần thông qua các cửa khẩu biên giới truyền thống. Chúng bỏ qua các cửa khẩu biên giới vì biết đó là khu vực có khả năng bị tịch thu hoặc ngăn chặn cao nhất”.

  • Từ khóa
200180

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu