Thứ 2, 24/06/2024 19:04:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:49, 14/06/2024 GMT+7

“Nói là làm” - liêm sỉ và nhân cách đảng viên, cán bộ

TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Thứ 6, 14/06/2024 | 08:49:00 879 lượt xem

(Tiếp theo và hết)

Hiện nay, có bao nhiêu người “nói nhiều làm ít”, “nói hay làm dở”… đã và đang làm giảm lòng tin của nhân dân, làm tích tụ trong nhân dân những hoài nghi không đáng có? Còn bao người “ăn thì ăn những miếng ngon/Làm thì chọn việc cỏn con mà làm” rồi tự cho mình là khôn ngoan mà không thấy hổ thẹn? Hay đến nay, có bao nhiêu tổ chức đảng, bao nhiêu cơ quan xây dựng chương trình hành động gắn với giải trình minh bạch, thông qua kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra và sự giám sát của nhân dân đối với việc nói và làm của cán bộ, đảng viên? Buông lỏng việc này nhất định uy tín của Đảng trong lòng nhân dân theo đó mà phai mòn, thậm chí là mất uy tín.

Để nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều thì mong rằng, khi nói phải nghĩ đến làm, có làm được thì mới nói được, thậm chí chỉ lặng lẽ làm mà không nói. Liêm chính ấy là như thế!

***

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên liệu và luôn đặt lên hàng đầu việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người kiên trì đấu tranh chống lại nguy cơ xa rời cuộc sống, xa rời nhân dân, rơi vào thoái hóa, biến chất của đảng viên, cán bộ. Người nói: Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.

Nhưng, giờ thì đang phổ biến nghịch cảnh người hành động thường ít nói, kẻ gian ngoan lại lắm lời. Được bao nhiêu người hiểu rằng, người thành thật phải luôn chú trọng đến hạnh kiểm và lời nói của mình. Có bao nhiêu cán bộ, đảng viên tâm niệm, người chính nhân thường hổ thẹn về lời nói nếu ngược với việc làm của mình?

Từ xưa, ở phương Đông và Việt Nam đều coi trọng đạo đức, đều nêu cao tấm gương đạo đức nói và làm của người lãnh đạo. Trong lịch sử nước ta, những lãnh tụ dân tộc muốn tập hợp được nhân dân chống ngoại xâm hay chống lại chế độ phong kiến hà khắc đều phải là những người có uy tín đạo đức rất cao. Ta hiểu vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên rằng, đối với các dân tộc phương Đông, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Giờ càng thấm thía, rằng không có gì nguy hiểm bằng lời khuyên tốt đi với nêu gương xấu.

Do đó, sự nêu gương đạo đức ở người cán bộ, đảng viên, đặc biệt ở người lãnh đạo, giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Cổ nhân nói: Người quân tử dè dặt ở lời nói, nhanh nhẹn ở việc làm. Hơn hết, bất cứ thứ gì trên đời, sự im lặng của quần chúng đã là bài học về lòng dân cho các vị vua và các đế chế hùng mạnh phải sụp đổ, như lịch sử từng cảnh báo nghiêm khắc ngay từ xưa rồi.

Hiện nay, trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, chúng ta đang thiếu cái gì? Đạo lý chưa đủ thấu hay pháp lý chưa đủ mạnh? Sự lành mạnh của đời sống đạo đức xã hội phụ thuộc một phần rất quan trọng vào sự nêu gương của người lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở: Muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức giữ gìn và nêu gương về mặt đạo đức.

Muốn thế, thì: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý", như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Đó cũng là yêu cầu của thực tiễn đấu tranh dân tộc và giai cấp ở bối cảnh hiện nay. Mỗi một con người khi đã được cắt cử vào ngôi cao, chức lớn thì nhất cử, nhất động của họ đã vượt ra khỏi phạm vi cá nhân, mang ý nghĩa tiêu biểu, trở thành “phương diện quốc gia”, mỗi hành vi tiêu cực của họ đều quan hệ đến niềm tin của nhân dân, đều được kẻ thù khai thác, lợi dụng để xuyên tạc, chống phá thể chế chúng ta.

Vì thế, hãy tránh xa và tẩy trừ những người “lưỡi dài hơn tay”. “Dù là ai, nhất là những người giữ trọng sự, hãy tiếp nhận lời nói xấu với sự trầm tĩnh hơn sỏi đá” - như Voltaire nói. Như thế mới có thể làm người dẫn dắt.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đẩy lùi sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, hơn lúc nào hết, mỗi đảng viên, cán bộ, nhất là những người nắm giữ trọng trách, phải gương mẫu từ việc nhỏ đến việc lớn, từ lời nói đến việc làm, từ phong cách đến lối sống, vì tất cả liên quan đến gương mặt thể chế, uy tín của Đảng, sự tốt xấu của chế độ. Người giữ trọng trách, dù ở cấp nào, nói năng thận trọng đáng quý hơn mọi sự hùng biện; một hành động vì nhân dân cao gấp ngàn lần những lời thuyết giảng, dù hay ho, to tát về đạo đức. Trong hành xử, cắt đặt người, luôn cảnh giới rằng, người làm được chưa chắc đã nói được; người nói được chưa chắc đã làm được và phân xử cho công bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”. Chính vì thế, hơn bất cứ lúc nào, không chỉ nói và làm cho mình, giữ mình trong sạch mà phải nói và làm đối với người khác, trước hết và trực tiếp là gia đình, thân tộc,… Đảng ta đã và đang yêu cầu đảng viên, cán bộ, trước hết là các đồng chí giữ trọng trách các cấp không những phải nêu gương về đạo đức, lối sống, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí; mà dứt khoát phải nghiêm cách xem lại gia đình mình.

Tất cả phải được chỉnh đốn và tự chỉnh đốn mình. Chỉ có thông qua những tấm gương cụ thể, trước hết là của những người có chức vụ cao, có cương vị lớn mới càng củng cố và nâng cao xứng đáng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó là gương mặt của thể chế và là rường cột của quốc gia, của Đảng!

Nhân dân ta cũng chân thành và trông đợi các đồng chí đứng đầu các cấp của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị là những tấm gương về dĩ công vi thượng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Đó là nhu cầu của công cuộc đổi mới. Nhất là, nhân dân mong rằng, tất cả xứng đáng, nếu là người có nhân thì nói lời bình thường chứ không khoe mẽ, trịch thượng; nói việc đạo đức, việc trị bình chứ không che chắn phe nhóm; nói sự ngay ngắn chứ không si mê thần thánh quàng xiên...

Mỗi cán bộ, đảng viên, muốn thu phục được người khác thì tự mình phải nêu gương trong sạch, nói đi đôi với làm. Đó là thước đo nhân cách mỗi người. Mỗi đảng viên, cán bộ tự thử hỏi, đã lúc nào ta không nghiêm cẩn tự soi mình trong mắt Bác Hồ và ở đâu ta chưa thành tâm tự soi mình trong mắt nhân dân? Đó cũng là nhân tố vun đắp phẩm hạnh, liêm sỉ và nhân cách mỗi người.

Muốn lôi cuốn và lãnh đạo được dân chúng, Đảng phải mẫu mực đi trước, làm trước, nói ít làm nhiều. Đó là thước đo năng lực và đức hạnh cầm quyền của Đảng. Đó là ngọn nguồn sức mạnh, uy tín và hấp lực của Đảng.

Nói gọn lại, dù là cá nhân hay tổ chức nếu tối thiểu nắm lấy và hành xử 7 lẽ sơ giản: Nhìn thật - nghe thật - nghĩ thật - nói thật - làm thật - hiệu quả thật - Nhân dân, gia đình và bản thân thụ hưởng - thành quả thật - nhất định sẽ tự có sức mạnh thật - uy tín thật - và danh dự thật, để xứng đáng thật là người chân chính, làm đảng viên, cán bộ thật sự!

Lúc đó, thử hỏi mọi thứ hanh thông và tốt đẹp, dẫu rằng không cầu nhưng sao mà không tự đến cho được!.

  • Từ khóa
198835

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu