Thứ 6, 28/06/2024 16:44:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 05:58, 24/06/2024 GMT+7

Báo chí trước thách thức của trí tuệ nhân tạo

Ngân Hà
Thứ 2, 24/06/2024 | 05:58:15 726 lượt xem
BPO - Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự chuyển dịch phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, người nghe, người xem từ bị động sang chủ động, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có những thay đổi đột phá trong tư duy và cách thức thể hiện trên các loại hình báo chí. Đây là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đòi hỏi người làm báo phải tận dụng được những lợi thế, giúp báo chí gần gũi và phục vụ công chúng tốt hơn.

Chuyển đổi số (CĐS) báo chí đang đứng trước thách thức để giữ chân công chúng, thu hút và tăng doanh thu quảng cáo, đặc biệt là cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo (AI)…

Chậm thay đổi sẽ mất công chúng

Xác định CĐS là giải pháp cho sự phát triển bền vững của báo chí Bình Phước trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số, sau khi hợp nhất, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã thực hiện số hóa bằng việc đầu tư từ nội dung đến kỹ thuật công nghệ, quy trình quản lý điều hành, khai thác và quản lý dữ liệu.

Một trong những ưu tiên hàng đầu BPTV tập trung đổi mới là triển khai phần mềm “Tòa soạn hội tụ”. Với phần mềm này, tất cả quy trình sản xuất của các loại hình báo chí được đẩy lên môi trường điện tử như: gửi tin, bài, biên tập, dựng hình, chấm nhuận bút… bỏ dần các khâu thủ công nhằm rút ngắn quy trình, tránh sự trùng lặp, chồng chéo.

Các phim trường của BPTV đạt chất lượng 4K, các thiết bị điều khiển xử lý tín hiệu chuẩn HD, hệ thống âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp tại trường quay giúp cho chất lượng các chương trình đều được nâng lên

Khi công nghệ đã và đang thay đổi nhanh chóng, ngày càng nhiều khán giả không tiếp cận thông tin qua tivi truyền thống nữa mà thay vào đó là những thiết bị di động, thì truyền hình cũng sản xuất các nội dung để tiếp cận được đông đảo khán giả theo hướng “khán giả ở nền tảng nào thì báo chí có mặt ở nền tảng đó”. Các sản phẩm của BPTV được đăng phát trên nhiều hạ tầng số như: truyền hình, audio, website hay các nền tảng mạng xã hội như Zalo, YouTube, Facebook, ứng dụng “BPTV go” trên các thiết bị di động thông minh với nội dung phong phú, thông tin kịp thời và đa dạng cách thể hiện, thu hút lượng lớn công chúng theo dõi và ủng hộ, tạo hiệu ứng xã hội tốt. “Báo Bình Phước online cũng đi theo xu hướng kể chuyện đa phương tiện, đặc biệt trên các nền tảng số. Cùng với đó là tận dụng sức mạnh công nghệ để thu thập, phân phối nội dung thông tin đến bạn đọc nhanh nhất” - anh Trương Diệc Quyền, biên tập viên Phòng Thư ký biên tập BPTV cho biết.

Tôi thường xuyên theo dõi các chương trình của BPTV và nhận thấy các chương trình, nội dung trên hạ tầng số của BPTV có những cải tiến toàn diện cả về nội dung lẫn hình thức theo hướng đưa thông tin đa chiều, đa dạng đến bạn đọc. Hiện nhiều chương trình đăng tải trên các hạ tầng số giúp khán, thính giả có thể xem chương trình ở bất kỳ đâu, thời gian nào mà không phải ngồi trước màn hình tivi như trước.

Chị LƯỜNG THỊ XUYẾN, phường Tân Bình, TP. Ðồng Xoài


Cùng với đó, BPTV đã tập trung đầu tư trang thiết bị số hóa như: Xe truyền hình lưu động chất lượng 4K, phim trường chất lượng 4K, phim trường ảo, các thiết bị điều khiển xử lý tín hiệu chuẩn HD, hệ thống âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp tại trường quay, hệ thống máy dựng cấu hình cao đồng bộ từ đội ngũ phóng viên, biên tập viên đến bộ phận hậu kỳ, lưu trữ, truyền dẫn phát sóng. Chất lượng hình ảnh đạt tiêu chuẩn HD, có độ phân giải cao, thu hút đông đảo người xem. “Với thiết bị công nghệ mới, những người làm báo đã có thể tự do sáng tạo mà không bị hạn chế. CĐS tại BPTV cũng đang thực hiện cả ở bộ phận nội dung, thương mại lẫn công nghệ. Khi chất lượng chương trình được nâng lên thì sẽ thu hút quảng cáo để hướng tới thực hiện mục tiêu kinh tế báo chí” - Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập BPTV Cao Minh Trực cho biết.

Chuyển đổi số tại BPTV đang thực hiện đồng bộ ở bộ phận nội dung, thương mại và công nghệ - Ảnh: Tiến Dũng

Khẳng định CĐS là con đường tất yếu của báo chí, Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn, Trưởng Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Báo chí truyền thông được coi là ngọn cờ tiên phong, nếu không CĐS báo chí sẽ thụt lùi và không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. CĐS báo chí dựa trên 3 trụ cột chính, đó là phải tạo ra nguồn nhân lực của thời đại số; thứ hai là yếu tố về cơ sở vật chất và thứ ba là trình độ kỹ năng quản trị nội bộ. Sau khi hợp nhất, BPTV CĐS rất nhanh, đặc trưng các loại hình báo chí thể hiện rất rõ, đáp ứng nhu cầu công chúng. BPTV đã có bứt phá rất mạnh mẽ, cho thấy CĐS đã giúp báo chí khẳng định được vai trò, vị thế trong đời sống kinh tế - xã hội và là cơ hội để báo chí đến gần hơn với công chúng dựa trên các nền tảng số.

Thích ứng và làm chủ AI

Thời đại số - thời đại của những công nghệ hiện đại đã đem tới cho báo chí, truyền thông những thay đổi tích cực, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức lớn. Đặc biệt, từ khi chat GPT ra đời vào cuối năm 2022, công cụ này đã làm được những việc, những sản phẩm mà trước đây chúng ta nghĩ chỉ có con người mới làm được.

Chúng ta hiểu rằng công nghệ dù phát triển đến đâu thì nó vẫn là sản phẩm của con người và không thể thay thế con người. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải có kiến thức, kỹ năng “sống chung với AI”, sử dụng AI một cách thông minh vì có nhiều vấn đề AI không thể thay con người được, đó là cảm xúc, kỹ năng mềm xử lý các tình huống…, đích cuối cùng là phục vụ công chúng tốt hơn.

Ðại tá, nhà báo ÐỖ PHÚ THỌ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân


Có thể thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông, phát thanh vẫn giữ vai trò đặc biệt trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, với những bước tiến nhanh, mạnh của truyền thông xã hội, công nghệ số và Al, đòi hỏi phát thanh phải thay đổi để có thể tồn tại và phát triển.

Các nội dung chương trình của BPTV đã được truyền dẫn phát sóng đến khắp mọi miền đất nước thông qua truyền hình số vệ tinh, truyền hình internet, truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình di động và trên các nền tảng mạng xã hội

Nhà báo Lê Hưng Cát, Phòng Thời sự BPTV chia sẻ: AI ra đời đã đem lại nhiều gợi ý cho những người làm phát thanh. Ngày trước, các chương trình cứ đến giờ mới phát sóng thì nay chúng tôi tận dụng nền tảng mạng xã hội, các hình thức livestream trực tiếp, thậm chí sử dụng Podcast, những đoạn TikTok ngắn và dùng giọng đọc AI để thay thế MC ở một số công đoạn. Điều này đã đưa chương trình phát thanh trở nên sinh động, phổ biến, tăng tính thuyết phục người nghe.

Phóng viên BPTV luôn chủ động ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng với kỷ nguyên số

Trả lời câu hỏi AI có thể “cạnh tranh” công việc với phóng viên, nhà báo trong kỷ nguyên số không, nhà báo Nguyễn Công Vinh, Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Các số liệu thống kê trên thế giới và của Việt Nam đều cho thấy nhu cầu nghe trên các hệ thống số tăng liên tục, đòi hỏi người làm phát thanh phải thay đổi, phải tạo ra các sản phẩm đặc sắc, có chất lượng ngay trên hạ tầng số. Nếu nội dung không hay, không hấp dẫn, không có những giá trị tích cực thì sẽ không sống được trên nền tảng. AI có thể làm được những việc con người khó làm được, thì chúng ta sẽ tận dụng AI để làm giàu dữ liệu. Một tác phẩm báo chí của con người khác AI đó là trí tuệ cảm xúc (EQ), điều mà AI khó có thể bắt chước được.

BPTV đã thực hiện số hóa từ nội dung đến kỹ thuật công nghệ, khai thác và quản lý dữ liệu… Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên BPTV thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại Phòng Sản xuất chương trình - Ảnh: Trương Hiện

“CĐS rõ ràng là con đường mà báo chí phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi công chúng và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Suy cho cùng, con người vẫn là yếu tố quyết định đến kết quả của quá trình CĐS, công nghệ dù có hiện đại đến đâu cũng khó thành công nếu thiếu tư duy, chiến lược và cả quyết tâm” - Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn nhấn mạnh.

  • Từ khóa
199671

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu