Thứ 2, 24/06/2024 18:57:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 18:21, 13/06/2024 GMT+7

“Nói là làm” - liêm sỉ và nhân cách đảng viên, cán bộ

TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Thứ 5, 13/06/2024 | 18:21:32 858 lượt xem

Khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng là 384.403km? Khoảng cách từ trái đất đến sao Hỏa ngắn nhất được đo là 57 triệu kilômét. Và, khoảng cách từ trái đất đến mặt trời là 149,6 triệu kilômét. Thế nhưng, cộng tất cả những khoảng cách đó vẫn còn ngắn hơn khoảng cách từ cái lưỡi tới đôi bàn tay. Nghĩa là, khoảng cách giữa nói và làm một vực một trời, thậm chí lại đối chọi nhau. Nhân dân ta không vui về chuyện đó!

***

Đối với con người và xã hội, xét cho cùng, nói và làm, làm và nói có thể là sự thống nhất, hòa quyện nhưng có thể là sự phân ly, thậm chí là đối lập… tùy người, tùy thời một cách biến ảo vô thường.

Quyền lực của lời nói con người là vô biên - M.Alexay nói như vậy. Lời nói thuộc thời gian, sự im lặng thuộc vĩnh cửu. Nếu lời nói bày tỏ bằng ngôn ngữ thì cử chỉ đo lòng con người. Thế cho nên, miệng con người ta là cái cửa của họa, phúc. Vì, lời nói giống như con ong, có mật và có cả nọc độc trong đó.

Thường thì có năm bậc giữa nói và làm: im lặng, nghe ngóng, ghi nhớ, hành động và học tập. Trong chính trị, đạo đức cũng như trong xã hội và nghệ thuật, vấn đề không phải chỉ ở lời nói mà quan trọng là ở việc làm. Có khi vì một lời nói mà nước thịnh, vì một lời nói mà nước suy.

Chẳng thế, cổ nhân từng di huấn: Một mặt thì nói cho hay, làm cho phải, thế là tu thân nhưng đồng thời lại căn dặn: Người ta cần biết hùng biện, nhưng đồng thời phải biết cả im lặng. Có thể, đừng nói tất cả những gì mình biết; đừng tin tất cả những gì mình nghe; nhưng làm thì phải làm tất cả những gì có thể làm. Vì hành động là đỉnh cao của lời nói. Nói và làm ở đó! Dũng khí, liêm sỉ cũng chính ở đó! 

Vì thế, trong khi đề cao các chuẩn mực lời nói cần có, văn hóa ở bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng đòi hỏi nó phải được thể hiện trong hành vi hằng ngày, tức là trong thực hành lời nói. Nhìn rộng ra, các học thuyết đạo đức và tôn giáo xưa nay luôn xem trọng nguyên tắc “nói đi đôi với làm”. Các học thuyết đạo đức này thường chỉ chú trọng trau dồi động cơ đạo đức, đi tới tách rời động cơ với hiệu quả, nên cũng không thực hiện được sự nhất quán giữa nói và làm. Đạo đức Nho giáo đưa ra những mệnh đề như: Quân tử nói bằng việc làm, tiểu nhân nói bằng đầu lưỡi. Nhưng đạo đức Nho giáo cơ bản cũng chỉ là đạo đức “tu thân”, nên kết quả cũng như mọi đạo đức duy tâm khác, đều thể hiện “sự bất lực đưa ra hành động” - như C. Mác từng nói.

***

Đảng ta là một Đảng cầm quyền.

Trong tư cách là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bất kỳ ở tầng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt: 1. Mình đối với mình. 2. Mình đối với người. 3. Mình đối với công việc”. Vì thế, thực hành “nói đi đôi với làm” cần phải được tiến hành nghiêm túc trong tất cả quan hệ đó.

Do đó, Đảng ta là Đảng cách mạng - Đảng đạo đức và Đảng hành động!

Đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là đạo đức tu thân mà là đạo đức dấn thân, tức là đạo đức gắn liền với hành động, đạo đức hành động. Nói để làm, nhất là nói về đạo đức phải đi đôi với thực hành đạo đức, mà phải làm có hiệu quả, nếu một người làm việc gì cũng không hiệu quả thì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể coi là một người có đạo đức. Vì thế, một cách tự nhiên, cả cuộc đời Người hành động đạo đức không ngừng nghỉ. Người nói: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”.

Hồ Chí Minh thực hành đạo đức nhiều hơn những điều Người nói, hoặc Người lặng lẽ, kiên trì nêu gương và không nói. Người vận dụng phương thức của người xưa: “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo”, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình đã, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Lại nhớ lời người xưa, rằng tự khiêm người phục, tự khoe người khinh; rằng, nói lúc mừng thường hay thất tín, nói lúc giận thường hay lầm lỗi. Ở Hồ Chí Minh luôn luôn giữ sự nhất quán giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức với thực hành đạo đức, kết tinh đạo đức hành động với hành động đạo đức. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Trước khi qua đời, Người viết trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Cả cuộc đời Người là bằng chứng cảm động cho sự nhất quán tuyệt vời giữa nói và làm, đạo đức hành động một cách kiên định vì Tổ quốc và nhân dân.

Suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng tự hoàn thiện mình theo lý tưởng chân, thiện, mỹ; gương mẫu từ việc lớn đến việc nhỏ, nên đã thực hiện được sự nhất quán giữa đời công và đời tư, giữa vĩ nhân và người bình thường, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức hằng ngày. Và, Người trở thành một nhà đạo đức và thực hành đạo đức chân chính. Tất cả ở Người tự nhiên như đất trời, dung dị đến vô thường, bởi nếu lời càng khéo thì càng mất điều chân thật; ý nghĩ càng cầu kỳ thì càng rơi xuống hư hao, như “Thần” Nguyễn Văn Siêu nói.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm tiên tri, tiên lượng về những căn bệnh của những người có chức, có quyền và Người đặt lên hàng đầu việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Không chỉ nhắc nhở mà bản thân Người đã suốt đời không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình về đạo đức để trở thành “tấm gương tuyệt vời về con người mới”, thành hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc mà còn có tỏa sáng trên toàn thế giới.

“Hành nan, ngôn dị” (làm thì khó, nói thì dễ) là sự tổng kết sâu sắc của người xưa về cái khó trong việc đạt tới sự nhất quán giữa nói và làm, nhất là giữa nói đạo đức với thực hành đạo đức. Nhưng, không phải ai cũng có thể thực hiện được.

(còn nữa)

  • Từ khóa
198767

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu