Thứ 3, 30/04/2024 15:44:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 12:14, 09/04/2016 GMT+7

“Hiện tượng lạ”

Thứ 7, 09/04/2016 | 12:14:00 454 lượt xem

BP - Ngày 1-4-2016, chương trình thời sự 19 giờ của Đài Truyền hình Việt Nam phát bản tin với nội dung: Những năm gần đây, ở Nghệ An có “hiện tượng lạ” là số lượng học sinh quyết định chỉ thi tốt nghiệp THPT, không xét tuyển vào đại học có chiều hướng gia tăng. Đã có lúc tỷ lệ này lên đến khoảng 40%, cao nhất cả nước. Năm học 2015-2016, toàn tỉnh Nghệ An có trên 38% số học sinh lớp 12 không đăng ký xét tuyển vào cao đẳng, đại học, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước.

Bản tin lấy ví dụ: Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An năm 2016 cũng như năm trước có gần nửa số học sinh không có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào cao đẳng, đại học. Học sinh lớp 12 ở đây cho rằng, rất nhiều anh, chị tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm, phải ở nhà làm ruộng hoặc đi học nghề. Bên cạnh đó, con đường đại học tốn nhiều thời gian và tiền bạc của gia đình. Vì vậy, các em chỉ thi tốt nghiệp THPT rồi đăng ký xuất khẩu lao động, học nghề, vào Nam tìm việc làm.

Nghệ An từng biết đến là đất học, nhưng quan điểm về sự học giờ đây đã khác, học không phải để tìm kiếm bằng cấp mà học để tìm kiếm việc làm. Theo ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, đây là hướng tích cực trong phân luồng sau trung học của tỉnh thời gian qua. Mặc dù phân luồng sau THCS và THPT đã được Đảng đề ra từ năm 1996 (Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII) nhưng đến nay vẫn chưa đạt kết quả mong muốn. Chỉ tính riêng tỉnh Nghệ An hiện có hàng chục ngàn cử nhân đang thất nghiệp, không thể tìm được việc làm đúng với ngành đào tạo. Ở tỉnh, thành nào cũng xảy ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, thậm chí tréo ngoe như: Học xong đại học rồi lại học nghề để kiếm việc làm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là xã hội còn mang nặng tâm lý bằng cấp và phải tốt nghiệp THPT mới được coi là đủ “trình độ văn hóa” để ghi vào lý lịch; các bậc cha mẹ khi gặp nhau thường hỏi con em đang học đại học trường nào, ngành nào chứ không phải đào tạo nghề gì?... Bên cạnh đó, ở nước ta hiện nay đang thiếu hẳn một hệ thống đào tạo nghề bài bản, đáp ứng nhu cầu của các công ty, xí nghiệp. Do vậy, các khu công nghiệp, khu chế xuất luôn thiếu công nhân lành nghề. Các chính sách khuyến khích, ưu tiên cho học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề chưa thực hiện đồng bộ, thậm chí thiếu quan tâm khiến việc phân luồng, hướng nghiệp bị “giậm chân tại chỗ”. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tỷ lệ thất nghiệp ở cử nhân cao nhất so với các đối tượng khác, gây lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội.

Trao đổi với báo chí, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh cho rằng: Xác định học sinh trường mình đầu vào không cao, có thi cũng khó đỗ những trường đại học tốp đầu nên ngay từ lớp 10, nhà trường đã hướng nghiệp cho học sinh. Những em học lực khá thì bồi dưỡng thi đại học, còn lại đào tạo nghề song song với học văn hóa để khi tốt nghiệp các em có cả bằng THPT và trung cấp nghề. Đây cũng là cách phân luồng học sinh ngay từ đầu cấp học và cũng là một trong những biện pháp căn cơ giúp cha mẹ học sinh, nhất là các em nhận biết được khả năng của mình để chọn hướng đi phù hợp, không nhất thiết cứ phải vào đại học mới là con đường duy nhất. Có vậy, câu chuyện ở tỉnh Nghệ An không còn là “hiện tượng lạ” của ngành giáo dục - đào tạo như hiện nay.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu