Thứ 6, 29/03/2024 05:44:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:31, 21/03/2018 GMT+7

Khi nào mới hết giải cứu?

Thứ 4, 21/03/2018 | 15:31:00 198 lượt xem
BP - Những ngày qua, chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam đã phát những bản tin về củ cải trắng mất giá, bán không ai mua nên người dân nhổ bỏ phơi trắng đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn xuống hiện trường xác minh và tổ chức “giải cứu củ cải trắng”. Từ thực trạng nêu trên đã đặt ra những câu hỏi như “Đến khi nào mới hết giải cứu nông sản”?

Theo các bản tin, người dân Mê Linh (Hà Nội) phải nhổ bỏ hàng trăm tấn củ cải trắng vì giá chỉ 500 đồng/kg và không có người mua. Nhiều hộ không có tiền thuê xe chuyên chở nên phải bỏ ngoài đồng. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn hỏa tốc yêu cầu các ngành chức năng chung tay giải cứu củ cải trắng. Sau 3 ngày kể từ khi có công văn của bộ, hàng loạt siêu thị ở Hà Nội đã hỗ trợ người dân bán được 50 tấn, dự kiến còn khoang 500 tấn củ cải trắng đang ở trên các cánh đồng.

Việt Nam là nước có thế mạnh về nông nghiệp và đây là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, mang về nhiều ngoại tệ cho đất nước. Năm 2017, giá trị xuất khẩu rau củ, quả của nước ta đạt hơn 3,5 tỷ USD, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Cũng từ thế mạnh này, hàng triệu hộ dân trong nước đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng; nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông nghiệp đã tạo dựng được vị thế trên thương trường quốc tế... Thế nhưng, do tác động từ sự cung - cầu của kinh tế thế giới, đặc biệt là do lối sản xuất nhỏ lẻ, thiếu khoa học, chạy theo thị trường và cả yếu tố phá hoại từ bên ngoài nên cung đã vượt cầu, sản phẩm không tiêu thụ được. Ví như năm 2016, Việt Nam nuôi được 49 triệu con heo, với 3,5 triệu tấn thịt heo hơi. Thế nhưng, ngay trong quý 1-2017, cả nước đã phải chung sức giải cứu đàn heo vì giá xuống thấp và không có thị trường tiêu thụ. Vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tái đàn, đặc biệt gây ra những tác động xấu trong chăn nuôi.

Là tỉnh nông nghiệp, Bình Phước trong vòng xoáy cung - cầu và điệp khúc được mùa, mất giá. Nhiều năm qua, khi cao su được giá, người dân phá bỏ hàng ngàn hécta cây trồng khác để trồng cao su. Cây điều, cây tiêu hay cây ăn trái... cũng bị người dân đẩy vào vòng xoáy luẩn quẩn “trồng - chặt, chặt - trồng” dẫn đến sản xuất không ổn định, gây thiệt hại nặng về kinh tế. Mới đây, hàng ngàn hộ dân trong tỉnh điêu đứng vì giá hạt tiêu xuống thấp, vườn tiêu lại bị sâu bệnh phá hoại nhưng không có tiền đầu tư, chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, để nông dân bớt khổ vì điệp khúc được mùa, mất giá và Nhà nước không phải giải cứu nông sản thì trước hết người làm nông nghiệp phải nắm bắt nhu cầu của thị trường, đúng thời vụ, không chạy theo phong trào, thị hiếu của người tiêu dùng.

Phải xóa bỏ tư duy sản xuất theo lối truyền thống, nhỏ lẻ, mà tổ chức sản xuất ở trình độ cao và quy mô lớn. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần phải hoạch định, quy hoạch thành các khu, vùng chuyên canh cho các loại cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương. Đặc biệt, ngoài tăng cường sự liên kết “bốn nhà”, cần có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư chế biến nông sản xuất khẩu, giúp người nông dân tiêu thụ được sản phẩm của mình.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108838

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu