Thứ 7, 27/04/2024 07:04:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:49, 06/05/2015 GMT+7

Tuổi nào được xem là trẻ em?

Thứ 4, 06/05/2015 | 14:49:00 7,484 lượt xem
BP - Xét về nghĩa đen, có lẽ không một người Việt Nam nào lại không hiểu hai từ “trẻ em” là gì. Như vậy cũng có nghĩa là hai từ “trẻ em” có nghĩa rất đơn giản, thông dùng vì ai ai cũng biết và cũng hiểu. Thế nhưng, xét dưới góc độ pháp luật thì cụm từ “trẻ em” đang tồn tại quá nhiều bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay.

Theo Hiệp ước về quyền trẻ em của Liên hiệp quốc định nghĩa trẻ em như sau: Mọi con người dưới tuổi 18 trừ khi theo luật có thể áp dụng cho trẻ em. Còn theo từ điển Wikipedia Tiếng Việt thì: Về mặt sinh học, “trẻ em” là con người ở giữa giai đoạn từ khi sinh và tuổi dậy thì. Định nghĩa pháp lý về một “trẻ em” nói chung chỉ tới một đứa trẻ, còn được biết tới là một người chưa tới tuổi trưởng thành. Và theo từ điển Tiếng Việt của các tác giả: Vĩnh Lộc, Bảo Đoan, Ngọc Hạnh, Quỳnh Tâm do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 2000 thì “trẻ em” là trẻ con (trang 10390). Và cũng sách này, ở phần giải thích về cụm từ trẻ con là: Đứa trẻ nhỏ tuổi.

Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9, ngày 12-8-1991 đã thông qua toàn văn Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Sau đó, luật này đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5 năm 2004 sửa đổi. Tại Điều 1 của luật này có quy định về trẻ em như sau: Trẻ em quy định trong luật này là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Và trong dự thảo Luật trẻ em (tên gọi cũ là Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em) vừa được công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành đã đưa ra khái niệm về trẻ em như sau: Trẻ em là người dưới 18 tuổi.

Chưa hết, khái niệm về trẻ em hiện còn có nhiều bất cập, không đồng nhất trong các văn bản quy phạp pháp luật. Cụ thể là về lĩnh vực lao động, tại Khoản 1, Điều 3 Bộ luật lao động 2012 có quy định như sau: Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Và cũng theo quy định của pháp luật hiện nay, những trường hợp dưới 15 tuổi thì được coi là lao động trẻ em và phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - thương binh và xã hội.

Nếu xét về mặt hôn nhân và gia đình, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 trong Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì: Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Trong khi đó, tại Điều 18 của Bộ luật dân sự hiện hành thì: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Như vậy, với nữ thì chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên là có quyền được kết hôn, nhưng nam thì phải đợi đến đủ 20 tuổi mới được thực hiện quyền được kết hôn của mình? Vậy phải chăng đối với nam thì đến 20 tuổi mới hết là “trẻ em”? Chỉ riêng quy định này cũng đã cho chúng ta thấy Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, tuy mới được ra đời nhưng đã bộc lộ bất cập với Bộ luật dân sự ra đời cách đây 10 năm.

Xét về góc độ hình sự thì tại Khoản 1, Điều 115 của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định như sau: Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Như vậy, trẻ em trong trường hợp này là người dưới 16 tuổi? Thế nhưng tại Điều 20 của Bộ luật dân sự hiện hành lại có quy định người thành niên, người chưa thành niên như sau: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên.

Như vậy, dựa trên những quy định của pháp luật thì bao nhiêu tuổi được xem là trẻ em? Và từ phân tích trên cho thấy, pháp luật ở nước ta hiện nay quy định về độ tuổi được gọi là “trẻ em” đang tồn tại nhiều bất cập. Việc này làm cho hiệu lực của pháp luật bị hạn chế và đáng lo ngại hơn là dẫn đến tình trạng áp dụng luật thiếu đồng nhất. Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng sớm có kiến nghị để Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung nội dung trên để việc thực thi pháp luật được thống nhất và đạt hiệu quả cao.

Diệp Viên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu