Thứ 6, 26/04/2024 09:14:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:48, 04/09/2014 GMT+7

Trước hết phải tạo môi trường giáo dục lành mạnh

Thứ 5, 04/09/2014 | 07:48:00 101 lượt xem

BP - Năm học 2014-2015 đã bắt đầu, nhưng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vẫn chưa đưa ra được phương án chắc chắn về việc tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2015. Cho dù trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 24-8, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trấn an dư luận bằng khẳng định “Sự thay đổi sẽ không đột ngột, không gây khó, gây “sốc” cho các cháu, không làm căng thẳng xã hội...”.  Rồi tại cuộc họp về đổi mới hệ thống giáo dục diễn ra chiều 26-8, Bộ trưởng Luận lại khẳng định kỳ thi quốc gia 2015 sẽ kế thừa những mặt mạnh, những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như những ưu điểm của kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức “ba chung”... Nhưng rõ ràng bộ này đang thể hiện sự lúng túng trên lộ trình cải cách giáo dục, trước hết là việc tổ chức một kỳ thi chung cấp quốc gia. Điều đó đã gây hoang mang cho hàng triệu học sinh, trước hết là học sinh lớp 12 trước thềm năm học mới, bởi các em lại có nguy cơ trở thành “chuột bạch” để ngành giáo dục thử nghiệm!

Thế hệ chúng tôi kết thúc cấp III (THPT bây giờ, thì được chứng kiến cuộc cải cách giáo dục vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ấy là khi hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm cho “bằng chị bằng em” với các nước được cho là có nền giáo dục tiên tiến. Ngày ấy, các nhà khoa học giáo dục trình bày chương trình cải cách giáo dục cũng khoa học y như trình bày chương trình “đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện” hiện nay. Hồi ấy nghe các nhà khoa học thuyết trình, giáo viên và học sinh cũng phấn khởi lắm, nhưng thực tế lại không như vậy. Để theo kịp nền giáo dục thế giới và để đào tạo con người phát triển toàn diện thì chương trình đòi hỏi phải nâng cao, nhưng thời lượng thì nào có nâng lên. Một học sinh THCS mà phải gánh tới 13 môn, chưa kể môn tự chọn và học nghề. Thật là thập toàn đại bổ!

So thế hệ chúng tôi thì học sinh của thế hệ cải cách này được học “hầm bà lằng” rất nhiều thứ, cái gì cũng học. Nhưng suy cho cùng, giáo viên hay giáo sư, bác sĩ thì cũng chỉ đi theo một vài kiến thức chuyên môn của mình, vậy mà học sinh bậc THCS thôi đã phải học tất cả các môn. Và bởi chương trình bị quá tải nên không còn phương pháp nào khác là giáo viên phải truyền thụ một chiều cho kịp nội dung chương trình, sách giáo khoa. Nhưng dù có dạy theo kiểu đọc - chép thì vẫn không thể thực hiện hết yêu cầu của một tiết dạy nên giáo viên la oai oái. Thế là bộ buộc phải chữa cháy bằng chương trình chỉnh lý, giảm tải. Và bởi năm nào cũng chỉnh lý, cũng giảm tải nên đôi khi cùng một vấn đề mà năm trước bảo đúng, năm sau lại bảo sai, học sinh chả biết đâu mà lần. Những năm liên tục giảm tải ấy, đã có sở giáo dục ra đề thi học kỳ đúng vào bài giảm tải, khiến học sinh phải ngẩn ngơ ngồi cắn bút, bởi có được học đâu mà làm bài được.

Cải cách, trong đó có cải cách giáo dục là xu thế của thời cuộc, của mọi quốc gia. Nhưng muốn cải cách, trước hết cần phải làm cho môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh đã. Trộm nghĩ, cho dù vẫn chương trình, sách giáo khoa, vẫn đội ngũ nhà giáo như thế, nhưng thầy cô thương yêu học trò, hết mình trên lớp với những kiến thức trong sách giáo khoa chứ không yêu cầu học trò đến nhà học thêm, cũng không vì thành tích mà phải đối phó, thậm chí dối lừa nhau thì kết quả giáo dục chắc chắn sẽ khác nhiều!

L.T

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu