Thứ 7, 27/04/2024 07:40:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 16:35, 06/06/2018 GMT+7

Tâm linh ở Trường Sa

Thanh Hải
Thứ 4, 06/06/2018 | 16:35:00 167 lượt xem
BP - Từ ngàn xưa, ông bà ta đã dạy: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Có lẽ vì thế mà việc thờ cúng đã trở thành “Lễ nghi phong hóa”, tức việc thờ cúng đã được chuẩn hóa theo quy củ, trật tự và trở thành phong tục tập quán của cả dân tộc. Thờ cúng là vấn đề tâm linh, đó cũng là điều thiêng liêng thấm vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam.

Và từ hàng ngàn năm nay, trong tâm thức người Việt Nam, chùa là nơi tĩnh lặng, linh thiêng, là nơi mọi người đến nương nhờ Đức Phật để tìm chút bình an trong cuộc sống, cầu xin hạnh phúc cho gia đình, cao hơn nữa là cầu “quốc thái dân an”... Đặc biệt, khi đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, cuộc sống càng hiện đại, thì dường như nhiều người lại hướng đến gần hơn với văn hóa tâm linh và với Phật giáo. Có lẽ vì thế mà trên khắp dải đất hình chữ S ở đâu cũng có chùa và ở giữa trùng khơi, trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa, như: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn cũng có chùa. Những ngôi chùa ở đây được xây dựng khá khang trang và bề thế.

Trong chuyến tháp tùng đoàn công tác của tỉnh ra thăm và tặng quà quân dân ở Trường Sa, phóng viên Báo Bình Phước đã ghi lại những hoạt động mang đậm nét văn hóa tâm linh của người dân ở Trường Sa.

Khi có đoàn công tác của các tỉnh, thành hoặc của các bộ, ngành ở Trung ương ra thăm Trường Sa, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa lại cử 1 vị hòa thượng và 2 vị đại đức cùng đi để thực hiện nghi lễ cầu siêu vong linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trong ảnh: Lễ cầu siêu vong linh các liệt sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma.

Chánh điện của chùa Trường Sa Lớn được trang trí khá đẹp và giống như những ngôi chùa trong đất liền. Đặc biệt, các pho tượng Phật trong chính điện chùa được tạc từ thạch anh nguyên khối khai thác tại vùng núi thuộc tỉnh Lào Cai. Trong ảnh: Khách ra thăm đảo đến lễ chùa.

Trong tất cả ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đều có ban thờ khắc tên và địa chỉ của 64 liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma. Trong ảnh là ban thờ 64 liệt sĩ ở chùa Sinh Tồn.

Trước khi tàu rời cảng quốc tế Cam Ranh, các thủy thủ trên tàu 561 đã chuẩn bị mâm lễ gồm 1 con gà luộc, 1 dĩa trái cây, 1 bình hoa tươi và nhang, đèn để cúng vong linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tại các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đều có một chuông rất lớn. Khách đến thăm chùa ai cũng muốn được tự mình đánh chuông để cầu siêu cho vong linh các liệt sĩ và cũng là để tâm hồn mình vơi đi những phiền muộn. Trong ảnh: Chiếc chuông lớn ở chùa Song Tử Tây.

Tại đảo Trường Sa Lớn có một vị đại đức viết thư pháp rất đẹp. Vì thời gian ở lại trên đảo của các đoàn rất ngắn, mà khách có nhu cầu xin chữ lại đông nên dù vị đại đức đã bỏ cả bữa cơm chiều nhưng nhiều người phải ra về tay không. Những chữ mà khách nhu cầu đều mang đậm nét văn hóa tâm linh, như: Phúc, lộc, thọ, khang, tâm, đức, phúc... 

Chùa Song Tử Tây được xây dựng trên khuôn viên khá rộng. Chùa còn có tam quan theo lối kiến trúc cổ. Hai tầng của tam quan đều có mái lợp ngói và uốn cong mềm mại ở 4 góc.

Ngôi chùa tại đảo Trường Sa Lớn được xây dựng khá khang trang và bề thế ở ngay vị trí gần trung tâm đảo. Khách ra thăm đảo không một ai bỏ lỡ cơ hội đến thăm chùa và thắp nhang cầu Phật.

  • Từ khóa
111334

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu