Thứ 6, 26/04/2024 17:34:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:13, 08/10/2017 GMT+7

Tài trí hơn người

Chủ nhật, 08/10/2017 | 09:13:00 1,431 lượt xem
BP - Theo sách “Danh nhân Hà Nội”, Lương Thế Vinh sinh năm 1441, tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Ông là một trong những vị trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa cử nước ta. Ông nổi tiếng tài trí hơn người với nhiều giai thoại như câu đố cân voi, đo độ dày của một tờ giấy.

Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng sáng trí, sáng tạo trong việc học và chơi. Chuyện xưa kể rằng, có lần ông cùng bạn bè ngồi chơi dưới gốc cây cổ thụ. Cả bọn thách đố nhau đo chiều cao của cây. Thay vì trèo lên cây như lời đề nghị của một người, Lương Thế Vinh lấy một cây gậy, đo chiều dài của nó rồi dựng gậy trên mặt đất đo chiều dài bóng gậy. Sau đó, ông tiếp tục đo bóng cây. Tính nhẩm một lát, ông đưa ra kết quả. Đám bạn không tin bèn dùng dây thừng đo lại, được kết quả đúng như của ông. Khi đó cả đám bạn mới phục tài ông.

Minh họa: S.H

Một lần khác, khi Lương Thế Vinh cùng bạn chơi bóng, trái bưởi làm bóng rơi xuống hố. Cả bọn loay hoay, không làm thế nào lấy bóng lên được. Ông nghĩ ra cách đổ nước vào hố để trái bưởi nổi lên. Cũng nhờ tài toán học, Lương Thế Vinh không ít lần giúp những người xung quanh giải quyết các vấn đề khó khăn. Có lần, ông đến một khúc sông, thấy mấy người đang tìm cách đo chiều rộng của con sông để bắc cầu. Hôm đó, nước sông rất cao và chảy xiết, họ không thể bơi qua. Ông bèn đề nghị mọi người không bơi qua sông mà tìm cho ông mấy cái cọc. Ban đầu, mấy người này không tin nhưng khi thấy ông đóng cọc, ước lượng khoảng cách rồi tính nhẩm và công bố chiều rộng con sông, họ hoàn toàn thán phục tài năng của chàng trai trẻ. Trên thực tế, Lương Thế Vinh sử dụng kiến thức về tam giác đồng dạng để tính khoảng cách giữa hai bờ sông.

Với tài trí hơn người, Lương Thế Vinh nhanh chóng nổi tiếng học giỏi khắp vùng Sơn Nam. Vì thế, người ta thường so sánh ông với Quách Đình Bảo, cũng là một người thông minh, đĩnh đạc trong vùng. Cùng dùi mài kinh sử nhưng 2 ông có phương pháp học hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Bảo ngày đêm vùi đầu khổ luyện, Vinh lại chơi nhiều hơn học. Tương truyền, trước kỳ thi Đình, Lương Thế Vinh sang làng của Quách Đình Bảo định bàn chuyện cùng về kinh ứng thí. Khi nghỉ ngơi tại quán nước đầu làng, nghe người dân kể chuyện Bảo học quên ăn quên ngủ, ông quyết định quay về và không tán thành cách học của Bảo.

Quả nhiên, năm 1463, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên, trong khi Quách Đình Bảo đỗ thám hoa. Khi đó, chàng trai làng Cao Hương mới 22 tuổi. Là người quang minh, lỗi lạc lại tài trí, Vinh được triều đình trọng dụng. Ông giữ nhiều chức quan quan trọng trong Hàn lâm viện, đồng thời là một trong 28 thành viên của hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông thành lập. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của ông cho nước nhà lại thuộc về lĩnh vực toán học.

Theo sách “Danh nhân đất Việt”, khi sứ thần nhà Minh sang thăm nước ta, vua cử Lương Thế Vinh ra tiếp đón. Dù đã biết tiếng vị trạng nguyên, sứ thần vẫn tìm cách làm khó. Trong một buổi đi chơi thuyền, ông ta thách đố quan trạng cân thử con voi nặng bao nhiêu. Vinh thản nhiên nhận lời rồi sai người dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mức thuyền chìm trong nước. Xong xuôi, ông bảo dắt voi lên, chất đá xuống, nước ngập đến chỗ đánh dấu thì dừng. Sau đó, ông cho người chia nhỏ số đá, cân lên và tính tổng. Kết quả khiến sứ thần phục lăn nhưng vẫn không bỏ ý định thử tài trạng. Ông ta xé một tờ giấy, yêu cầu Lương Thế Vinh đo độ dày của nó. Trước tình huống khó xử này, ông vẫn ung dung nghĩ ra cách. Ông mượn viên sứ quyển sách, dùng thước đo độ dày cả quyển rồi chia với số trang để tính độ dày tờ giấy. Sứ thần nhà Minh hết sức bội phục trí tuệ của vị quan đất Việt.

Với tài năng toán học xuất sắc, Lương Thế Vinh được dân gian gọi là Trạng Lường. Ông đã tổng kết kiến thức, viết nên cuốn “Đại thành Toán pháp”. Cuốn sách này được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Ông cũng nổi tiếng với tài văn thơ, đối đáp và rất vừa ý nhà vua. Năm 1496, Lương Thế Vinh qua đời. Vua Lê Thánh Tông rất thương tiếc và đã viết thơ khóc, trong đó có câu: Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.

Lời bàn:

Sinh thời, nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII đã hết lời ca ngợi Trạng Lường Lương Thế Vinh và đánh giá ông là người có tài kinh bang tế thế, con người “tài hoa danh vọng vượt bậc”. Còn hậu thế ngày nay thì tôn vinh ông là người thông minh xuất chúng, có chí khí kỳ lạ và tài hoa vượt bậc. Đồng thời, ông là một nhà chính trị có cương thường và đạo lý rất đáng trân trọng. Ông kịch liệt phê phán thói tham quan, ô lại. Ông muốn tất cả những người tham chính, kể cả nhà vua phải làm hết chức trách, đem hết tài năng và phẩm chất của mình để xây dựng đất nước, phò vua, giúp dân.

Vâng, cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Lường Lương Thế Vinh là cuộc đời của một nhân tài đa tài, hiếm thấy trong lịch sử thời phong kiến nước ta. Ông thanh liêm và rất cương trực, không chấp nhận những cái xấu xa của xã hội, nhất là chốn quan trường. Một con người sống trong chế độ quân chủ nhưng quyết sống đời sống kẻ sĩ của người quân tử, Lương Thế Vinh là một danh nhân văn hóa lớn của dân tộc. Chính vì thế, hình ảnh trạng nguyên Lương Thế Vinh còn sống mãi trong tâm thức mọi người bằng truyền thuyết và giai thoại về cuộc đời, sự nghiệp, tài đức và lòng yêu nước, yêu dân của ông.

N.D

  • Từ khóa
109968

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu