Thứ 7, 27/04/2024 05:43:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 11:17, 07/12/2016 GMT+7

Sự phát triển của huyện đảo Phú Quý

Thứ 4, 07/12/2016 | 11:17:00 2,079 lượt xem

BP - Huyện đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận gồm 3 xã là Ngũ Phụng, Tam Thanh và Long Hải, với 10 thôn, dân số hiện nay khoảng gần 30 ngàn người. Diện tích đất tự nhiên của Phú Quý hơn 17km2, gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý về phía đông. Nhìn từ phía bắc, đảo có hình thù như một con cá thu nổi lên giữa biển nên từ xa xưa Phú Quý có tên gọi là Cù Lao Thu.

Dựa trên các chứng cứ khảo cổ học, truyền thuyết dân gian, những ngôi mộ cổ, giếng cổ của người Chăm để lại cùng đền thờ công chúa Bàn Tranh và các di tích đình, chùa, đền, lăng vạn của người Việt sau này trên đảo, các nhà khoa học khẳng định chủ nhân đầu tiên có mặt trên đảo Phú Quý là cư dân Sa Huỳnh, sau đó là người Chăm và cuối cùng là người Việt. Tuy đến sau nhưng người Việt được coi là chủ nhân chính trong việc khai phá, xây dựng và gắn bó mật thiết với đảo Phú Quý đến ngày hôm nay. Với 35 di tích lịch sử, văn hóa và nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của người Việt được hình thành và tồn tại đến nay đã khẳng định sức sống mãnh liệt và chủ quyền của người Việt Nam trên vùng biển đảo Phú Quý. Cư dân của đảo Phú Quý từ bao đời nay gắn với biển đảo, cuộc sống cùng sự phát triển dựa vào các hoạt động kinh tế biển. Nằm giữa biển Đông, đảo Phú Quý có vị trí chiến lược đặc biệt về quốc phòng - an ninh của tỉnh Bình Thuận nói riêng và miền Trung nói chung, vì vậy việc phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh Bình Thuận, cùng với việc tập trung phát huy nội lực, diện mạo của huyện đảo ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Phú Quý xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế biển về khai thác, nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch. Huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng dân sinh, phát huy hiệu quả giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Ngày 28-11-2013, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW, trong đó có nội dung đồng ý chủ trương xây dựng đề án phát triển toàn diện huyện đảo Phú Quý, đáp ứng tốt yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh trong chiến lược biển nói chung; khắc phục tình trạng biển xâm thực, xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền và khi có điều kiện sẽ nâng cấp, mở rộng sân bay. Đây là định hướng, điều kiện và động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở huyện đảo tiền tiêu này. Đặc biệt từ ngày 1-6-2014, người dân trên huyện đảo đã được sử dụng điện với mức giá bằng giá đất liền. Và từ ngày 1-7-2014 thời gian sử dụng điện được nâng từ 16 giờ/ngày lên 24/24 giờ. Nguồn điện được bảo đảm là điều kiện tích cực cho sự phát triển của huyện đảo này.

Ngoài tập trung phát triển nghề biển, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, huyện đảo Phú Quý cũng đã triển khai thực hiện chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, với mục tiêu trọng tâm là tập trung xây dựng và phát triển đô thị theo hướng hiện đại và bền vững trên cơ sở xây dựng, phát triển tiềm lực kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Huyện đã có nhiều chính sách tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; trong đó, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng dân sinh, nhất là hạ tầng giao thông (trọng tâm là giữa đảo với đất liền), mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống điện, nước, cơ sở vật chất lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội...

Hiện nay, Bình Thuận đang tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, chế biến và dịch vụ nghề cá, trung tâm thương mại về xuất khẩu hải sản của tỉnh. Phú Quý sẽ là điểm du lịch sinh thái biển, nơi nghỉ dưỡng, khám phá lý tưởng trong các tour du lịch của tỉnh và khu vực, đồng thời là một điểm tựa hậu cần vững chắc cho huyện đảo Trường Sa. (*)      

Trung Lương
(*) Bài viết có tham khảo tài liệu phuquy.gov.vn

  • Từ khóa
111265

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu