Thứ 7, 27/04/2024 02:58:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 07:48, 07/04/2013 GMT+7

Quyền công dân và trách nhiệm của Nhà nước

Chủ nhật, 07/04/2013 | 07:48:00 68 lượt xem

Tại Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69) trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Với trách nhiệm của một người làm báo, tôi xin có bốn ý kiến về nội dung của điều này như sau:

Thứ nhất, trong nội dung của Điều 26 mới chỉ quy định về quyền của công dân, mà chưa nói đến vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân thực hiện những quyền được quy định trong điều này. Như vậy thì liệu công dân có thực sự thực hiện tốt được các quyền của mình? Từ quan điểm trên, tôi xin đề xuất ở đầu của Điều 26 trong dự thảo cần được bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước với nội dung như sau: Nhà nước bảo đảm mọi điều kiện để công dân thực hiện các quyền.

Thứ hai, nếu quy định về quyền “biểu tình” như trong dự thảo là chưa đầy đủ, không cụ thể và thiếu rõ ràng. Bởi vì trong dự thảo Hiến pháp có ghi rõ: Công dân có quyền... biểu tình theo quy định của pháp luật, nhưng hiện nay ở nước ta chưa có luật biểu tình thì không thể biểu tình theo pháp luật. Nói cách khác, nếu chưa có luật biểu tình mà Hiến định về quyền được biểu tình theo quy định của pháp luật thì quyền này có cũng như không. Vì thế, theo ý kiến của cá nhân tôi thì cần quy định cụ thể hơn để nội dung của Điều 26 được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, nhưng không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc và không để những phần tử xấu lợi dụng tự do báo chí hoặc quyền được biểu tình.

Thứ ba là trong nội dung của Điều 26 có quy định: Công dân có quyền... được thông tin,... Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu quy định là “được thông tin” thì xem ra đây không còn là quyền nữa, mà giống như một sự ban phát hay cho hoặc không cho từ phía Nhà nước đối với công dân. Vì vậy, theo tôi ở nội dung của điều này được sửa đổi, bổ sung cho rõ nghĩa, dễ hiểu và tránh được sự lạm quyền từ cả hai phía là Nhà nước và công dân. Cụ thể là từ “được” trong điều này cần lược bỏ và thay vào đó là cụm từ “quyền tiếp cận”.

Thứ tư, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở nội dung của Điều 26 cần bổ sung thêm quyền “phản biện xã hội” cho công dân. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang tích cực phấn đấu để đưa nước ta trở thành quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng... Và dân chủ xã hội chủ nghĩa là biểu hiện cao nhất của sự tiến bộ và văn minh đối với con người. Tuy nhiên, để thực thi dân chủ một cách công bằng và văn minh thì không thể không có sự phản biện. Vì thế, phản biện đã trở thành quyền chính đáng của con người, của công dân trong một quốc gia văn minh. Do đó, theo tôi thì ở điều này cần bổ sung cụm từ “và phản biện xã hội” sau cụm từ “biểu tình”

Như vậy, Điều 26 được viết lại như sau: Nhà nước bảo đảm mọi điều kiện để công dân thực hiện các quyền: tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình và phản biện xã hội theo quy định của pháp luật.

Tại Khoản 1 và 2, Điều 27 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu quy định như vậy là thừa, dài dòng và mục đích của sự bình đẳng giới lại không đạt được. Ngược lại, chính vì quy định như vậy thì vô tình đã thừa nhận có sự bất bình đẳng về giới. Vì thế, theo tôi ở Khoản 1 cần thay cụm từ “Công dân nam, nữ” bằng cụm từ “Mọi công dân đều”, vì mọi công dân cũng đã bao hàm cả công dân nam và công dân nữ nên không cần phải ghi rõ là “công dân nam, nữ”. Cũng xuất phát từ quan điểm trên, theo tôi ở Khoản 2, Điều 27 cũng cần được thay cụm từ “công dân nữ và nam” bằng cụm từ “mọi công dân”. Đồng thời thay từ “mọi” ở sau từ “trên” bằng từ “các”.

Như vậy, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 27 được viết lại như sau: Mọi công dân đều bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa mọi công dân trên các lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.

N.V

  • Từ khóa
108198

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu