Thứ 7, 27/04/2024 19:08:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:20, 26/02/2014 GMT+7

Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội

Thứ 4, 26/02/2014 | 08:20:00 325 lượt xem

Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội

Trong Hiến pháp năm 2013, toàn bộ Chương V, gồm 17 điều, từ Điều 69 đến Điều 85 là chương quy định về Quốc hội, trong đó Điều 70 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Theo Điều 69: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Với quy định trên, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Về ngân sách nhà nước, Quốc hội nhận thấy, việc nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương về ngân sách là cần thiết để địa phương chủ động trong việc triển khai ngân sách nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của mình. Tuy nhiên, việc tách bạch hoàn toàn giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương là không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay ở nước ta. Nhà nước Việt Nam là thống nhất, tài chính nhà nước và ngân sách nhà nước là thống nhất trong quản lý, Quốc hội đại diện cho cử tri cả nước. Do đó, trong Hiến pháp năm 2013 vẫn tiếp tục khẳng định việc quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước vẫn thuộc trách nhiệm của Quốc hội.

Theo quy định tại Điều 70, Quốc hội có 15 nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể, trong đó có nhiệm vụ thứ nhất là “1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật”; và nhiệm vụ, quyền hạn cuối cùng của Quốc hội là: 15. Quyết định trưng cầu ý dân. Một trong những nhiệm vụ và quyền hạn mới của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ thứ 8, với nội dung: Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

Ngoài ra, với tư cách là cơ quan thường trực của Quốc hội, Hiến pháp (sửa đổi) cũng giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thẩm quyền “Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Theo Hiến pháp hiện hành, thẩm quyền này thuộc Chính phủ.

 Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Chương 3 trong Hiến pháp 2013 gồm 14 điều, từ Điều 50 đến Điều 63 là những quy định về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Trong đó, Điều 51 quy định về thể chế kinh tế ở nước ta như sau: 1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. 3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Như vậy, để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nền kinh tế nước ta, Hiến pháp năm 2013 đã quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đồng thời khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là thể hiện sự nhất quán khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; và các thành phần kinh tế đều bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Quy định trên không làm ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường XHCN và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế khác.

Trong Chương 3 quy định về thể chế kinh tế, Hiến pháp 2013 cũng đã nói rõ các thành phần kinh tế đều được Nhà nước bảo hộ và không bị quốc hữu hóa tài sản của các nhà đầu tư, của các nhà kinh doanh và đây là một thông điệp rất quan trọng. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của các thành phần kinh tế, của các chủ thể, của cá nhân đều được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm và là quyền thiêng liêng của họ.

Đặc biệt, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, việc phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp năm 2013 đã quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 54 có quy định: 3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.                   

Đ.T

  • Từ khóa
108275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu