Thứ 7, 27/04/2024 14:10:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:03, 28/02/2014 GMT+7

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Thứ 6, 28/02/2014 | 09:03:00 247 lượt xem

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Trong Hiến pháp năm 2013, Chương IV - Chương Bảo vệ Tổ quốc gồm có 5 điều, từ Điều 64 đến Điều 68. Tại Điều 64 khẳng định rõ: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh. Với quy định về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như trên, Hiến pháp năm 2013  cơ bản vẫn kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992, đồng thời khẳng định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân. Tuy nhiên, do nội hàm bảo vệ Tổ quốc rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội nên trong Hiến pháp năm 2013 đã quy định khái quát “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân” tại Điều 64. còn đối với những vấn đề về quốc phòng, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thì được quy định tại các điều 65, 66, 67, 68 và trong các nội dung khác của Hiến pháp năm 2013.

 Về chính quyền địa phương

Trong Hiến pháp năm 2013 đã dành trọn Chương IX, với 7 điều, từ Điều 110 đến Điều 116 quy định về chính quyền địa phương. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cấu trúc hành chính ở nước ta. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 110 có quy định: 1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường.

Tuy nhiên, so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể tại phần cuối Khoản 1, Điều 110 của Hiến pháp có quy định: Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Trong Hiến pháp mới cũng  bổ sung quy định nhằm khắc phục những hạn chế trong việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính. Vì vậy, tại Khoản 2, Điều 110 quy định: 2. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.

Về tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp năm 2013 quy định khái quát theo hướng: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”, việc tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước

Nhằm thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn nữa chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, thể chế hóa một trong những chủ trương của Đảng là “tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử...”, vì vậy trong Hiến pháp năm 2013 đã quy định tổng quát về Hội đồng Bầu cử quốc gia. Cụ thể, tại Khoản 1 và 2 của Điều 117 có quy định: 1. Hội đồng Bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 2. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên. Còn những vấn đề cụ thể về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ do luật định. Vì vậy, tại Khoản 3, Điều 117 quy định: 3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia do luật định.

Hiến pháp năm 2013 cũng quy định một thiết chế hiến định độc lập là Kiểm toán nhà nước và quy định này phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tại Điều 118 có quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán nhà nước như sau: 1. Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 2. Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do luật định.          

K.C

 

  • Từ khóa
108276

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu