Thứ 7, 27/04/2024 05:24:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:02, 11/01/2015 GMT+7

Quản không được thì cấm - xưa rồi!

Chủ nhật, 11/01/2015 | 08:02:00 2,536 lượt xem
BP - Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa thông tin về việc taxi Uber vào Việt Nam. Trong số đó có nhiều thông tin trái chiều từ nhiều góc độ khác nhau. Và chính những thông tin này đã phần nào khiến các cơ quan quản lý lúng túng. Tuy nhiên, trước tình hình này và ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã đích thân đi tìm hiểu thực tế và ông đã khẳng định với giới truyền thông rằng:

“Uber giá thấp hơn taxi thông thường, người dân được hưởng lợi, sao ta không hợp pháp hóa để quản lý nó, phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm”. Bộ trưởng Thăng cũng cho rằng, nếu làm được điều này sẽ hướng đến năng suất cao hơn, chất lượng hơn, đem lại sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp, giảm đáng kể chi phí quốc gia? Với góc độ là người dân và là người đã trải nghiệm với taxi Uber mấy lần tại thành phố Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ tết Dương lịch vừa qua, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, về mặt pháp lý, tại Điều 33 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất cụ thể và rõ ràng rằng: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Trong khi đó, pháp luật hiện hành của nước ta, đặc biệt là Luật Đầu tư vừa ban hành không hề có quy định nào cấm kinh doanh dịch vụ kết nối kiểu như của Uber. Mà luật pháp đã không cấm thì có nghĩa là Uber được quyền kinh doanh. Tất nhiên, cũng theo quy định của pháp luật, đã kinh doanh thì phải đóng thuế, phải tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật. Tiếc rằng, cho đến nay các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này vẫn còn mang tư tưởng không quản được thì cấm nên taxi Uber vẫn đứng ngoài cuộc.

Thứ hai, nếu người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đưa ra quy định để cấm đoán là không hợp lý. Vì việc cấm đoán trong trường hợp này không khác gì với việc bảo vệ lợi ích nhóm, bảo vệ thị phần cho các công ty taxi trong nước đang làm ăn theo cung cách cũ, thậm chí là chụp giựt, ép người tiêu dùng. Vẫn biết rằng, với dịch vụ taxi Uber, người sử dụng có nhiều lợi ích, như: giá rẻ, nhanh chóng, biết chính xác đường đi, thời gian đến... và đặc biệt là không bị lái xe cho đi lòng vòng rồi tính tiền. Do đó, các doanh nghiệp taxi lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Song không phải vì vậy mà đặt ra những rào cản cho thị trường và đây cũng không phải là cách làm hợp với xu thế của thời đại. Cạnh tranh với Uber để có được dịch vụ và giá cả tốt hơn mới là cách làm đúng đắn. Hơn nữa, nếu các công ty taxi trong nước có thiện chí thì hãy cộng tác với Uber để có thể tối ưu hóa chi phí và cùng có lợi trong việc khai thác thị trường.

Thứ ba, Uber đại diện cho sự sáng tạo đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào việc cung cấp dịch vụ taxi. Nếu chúng ta quay lưng lại với Uber là quay lưng lại với những tiến bộ mới của khoa học - kỹ thuật. Đây chính là cách ứng xử chọn sớm rủi ro cho mình và không sớm thì muộn sẽ tụt hậu, thất bại.

Cuối cùng là cách làm của Uber đã và đang phản ánh tính chất của một hoạt động kinh tế mới đang được nói tới ngày càng nhiều, đó là hoạt động kinh tế chia sẻ. Những người có xe ôtô có thể chia sẻ những chiếc ôtô của mình với những người có nhu cầu, nhờ đó phát huy được hiệu quả cao hơn của tài sản. Vì thế, nếu chúng ta chấp nhận Uber thì cũng có nghĩa là sẵn sàng đón nhận một phương thức hoạt động kinh tế mới.

N.V

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu