Thứ 7, 27/04/2024 07:04:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:23, 15/10/2013 GMT+7

Nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp

Thứ 3, 15/10/2013 | 08:23:00 71 lượt xem

Điều 120 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một trong những điều có nội dung hoàn toàn mới. Điều này gồm 3 khoản, là những quy định về việc thành lập, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp, như sau: 1. Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên. 2. Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn. 3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Hiến pháp do luật định.

Về vấn đề này, tôi hoàn toàn đồng ý với nội dung của dự thảo. Vì việc thành lập Hội đồng Hiến pháp hay còn gọi là Hội đồng Bảo hiến với mục đích là để bảo vệ Hiến pháp. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu thực tiễn của nước ta hiện nay. Vì trong thực tế từ nhiều năm qua ở nước ta cho thấy một số cơ quan có trách nhiệm đã ban hành các văn bản pháp quy trái với Hiến pháp. đây là một thực trạng khá phổ biến nhưng không được chấn chỉnh kịp thời dẫn đến những sự việc đã rồi, gây bức xúc kéo dài trong nhân dân với những hậu quả lớn, thậm chí hậu quả khó có khả năng khắc phục một cách có hiệu lực và hiệu quả. Xin được dẫn chứng một số trường hợp vi phạm Hiến pháp hiện hành nhưng không được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng không có giải pháp để xử lý thích đáng.

Ví dụ tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI đã thông qua toàn văn Bộ luật Dân sự, trong đó Điều 200 quy định về tài sản thuộc hình thức sở hữu Nhà nước có quy định như sau: Tài sản thuộc hình thức sở hữu Nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng - an ninh cùng các tài sản khác do pháp luật quy định. Như vậy, Điều 200 trong Bộ luật Dân sự năm 2005 đã xác định những tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên... hay phần vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học,... cùng các tài sản khác do pháp luật quy định... Với quy định này thì Bộ luật Dân sự năm 2005 còn trên cả Hiến pháp vì thực sự nó điều chỉnh cả Hiến pháp. Trong khi đó, thẩm quyền quy định về vấn đề này thuộc Hiến pháp chứ không phải bất cứ bộ luật nào. Chính vì vậy, trong thực tế đã xuất hiện việc dùng Luật Dân sự không đúng.

Cụ thể là ngày 15-11-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở  hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Tại Điều 1 của nghị định này có quy định như sau: Nhà nước đầu tư vốn, tài sản vào doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực, khâu then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng - an ninh, làm nòng cốt để kinh tế Nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thống nhất quản lý và thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nghị định này quy định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Từ những quy định trên cho thấy, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP tuy không vi luật nhưng lại vi hiến. Vì thẩm quyền quy định hay nói theo cách khác là quyền quyết định về chủ sở hữu nhà nước đối với các loại tài sản của quốc gia là do Hiến pháp, tức là phải được hiến định trong Hiến pháp chứ không phải được quy định trong một nghị định của Chính phủ. Xuất phát từ thực trạng vi hiến đã và đang diễn ra một cách khá phổ biến như hiện nay, tôi đề nghị nên thành lập Hội đồng Hiến pháp và tôi đồng ý với nội dung của Khoản 2 trong Điều 120, nhưng đề nghị bổ sung thêm một khoản nữa ngay sau Khoản 2 (tức Khoản 3) và Khoản 3 trong dự thảo được chuyển thành Khoản 4. Khoản mới (3) có nội dung như sau: 3. Có quyền đình chỉ việc thi hành các văn bản pháp quy vi hiến, trong trường hợp cơ quan ban hành văn bản pháp quy đó không đồng tình với kết luận của Hội đồng Hiến pháp thì vẫn tạm thời đình chỉ việc thi hành nhưng phải kiến nghị với Quốc hội xem xét tính chuẩn xác đối với quyết định của Hội đồng Hiến pháp để có kết luận cuối cùng. 

Đức Trọng

  • Từ khóa
108265

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu