Thứ 7, 27/04/2024 04:10:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 21:58, 17/03/2013 GMT+7

Không ứng cử cũng là quyền

Chủ nhật, 17/03/2013 | 21:58:00 52 lượt xem

Tại Điều 28 sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 54) có ghi: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp”.

Theo tôi, nếu quy định như trên là chưa đầy đủ và chưa chặt chẽ. Vì ngày nay, cuộc sống của con người ngày càng phát triển, tiến bộ hơn nên quyền con người, quyền công dân và hình thức thể hiện dân chủ cũng được mở rộng hơn, được nâng lên ở mức cao hơn. Cụ thể là không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới, Nhà nước tôn trọng quyền thể hiện chính kiến hay không thể hiện chính kiến của công dân trước một hoạt động chính trị hay xã hội nào đó. Do đó, việc tham gia bầu cử hay không tham gia bầu cử cũng là quyền chính đáng của công dân và không ai có quyền ép buộc công dân phải tham gia hay không tham gia. Vì vậy theo tôi, ở vế thứ nhất của Điều 28 sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được bổ sung cụm từ “hoặc không bầu cử” vào sau cụm từ “có quyền bầu cử”.

Ở vế thứ hai của Điều 28 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng cần được bổ sung cụm từ: hoặc không ứng cử” vào trước cụm từ “có quyền ứng cử”. Thực tế lịch sử bầu cử ở nước ta trong nhiều năm qua cho thấy “ứng cử” tuy thực sự là quyền của mọi công dân, nhưng không phải ai cũng nhận thấy mình có đủ tài năng, đức độ để đứng ra ứng cử và được đông đảo quần chúng tín nhiệm bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương hoặc địa phương. Vì thế, việc ai đó nhận thấy mình không đủ khả năng thì họ có quyền không ra ứng cử là điều tất nhiên và quyền này cũng cần phải được Hiến định. Vì thế, ở Điều 28 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được viết lại cho đầy đủ như sau: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử hoặc không bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử hoặc không ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp”.

Tại Khoản 1, Điều 34 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 57) có ghi: “1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh”. Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu quy định như vậy trong Hiến pháp là không ổn. Bởi vì, nếu là mọi người thì dù là trẻ em, học sinh hay người già và thậm chí là cả người đã bị pháp luật tước quyền công dân hay những người không có đủ năng lực hành vi dân sự... cũng đều có quyền tự do kinh doanh. Ai cũng biết trong thời buổi toàn cầu hóa kinh tế hiện nay thì thị trường cũng là “chiến trường”. Vì vậy, nếu tất cả những đối tượng trên đều có quyền tự do kinh doanh thì ắt sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế và cả xã hội. Do đó, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở Khoản 1 của Điều 34 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần bỏ từ “người”, mà thêm vào đó cụm từ “công dân đều” trước từ “Mọi” và khoản này được viết lại như sau: “Mọi công dân đều có quyền tự do kinh doanh”.

Tại Khoản 2, Điều 37 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 73) có ghi: “2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Với việc tách thành hai vế khác nhau đã tự làm cho nội dung của khoản này mâu thuẫn với nhau. Vì đã “Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý”, nhưng ở vế sau lại quy định: “Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Như vậy, nội dung của vế sau không những mâu thuẫn với vế trước, mà còn làm cho vế sau trở thành thừa và gượng ép. Thực ra, nội dung của vế sau là “Việc khám xét chỗ ở do luật định” cũng đồng nghĩa với cụm từ “trừ trường hợp được pháp luật cho phép”, như trong quy định của Hiến pháp hiện hành. Do đó, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở Khoản 2 của Điều 37 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được bỏ vế thứ hai, tức là cụm từ: “Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Đồng thời bỏ dấu chấm ở sau cụm từ “được người đó đồng ý” và thay vào đó là dấu phẩy. Sau dấu phẩy cần bổ sung cụm từ “trừ trường hợp luật định”.

Do đó, Khoản 2, Điều 37 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được viết lại như sau: “2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật định, như vậy sẽ ngắn gọn hơn và cũng dễ hiểu hơn.

Hoàng Tuấn (Lộc Ninh)

  • Từ khóa
108185

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu