Thứ 6, 26/04/2024 12:24:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 06:14, 09/11/2014 GMT+7

Không thể thay thế giấy khai sinh

Chủ nhật, 09/11/2014 | 06:14:00 186 lượt xem
BP - Luật Căn cước công dân đã được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã trình dự thảo hai dự án luật này và trước đó đã công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành.

Ngay sau khi dự thảo luật này được công bố, trong xã hội đã xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bỏ việc cấp giấy khai sinh trong dự thảo Luật Hộ tịch, thay vào đó là quy định về việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ khi đăng ký khai sinh như trong dự án Luật Căn cước công dân. Loại ý kiến thứ hai thì cho rằng, thẻ căn cước công dân không thể thay được giấy khai sinh. Và theo ý kiến của cá nhân tôi thì loại ý kiến thứ hai có sức thuyết phục hơn, vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người. Với quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp giấy khai sinh và trong đó có ghi những thông tin cơ bản của trẻ. Do đó, giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Và thực tế từ nhiều thập kỷ qua, việc cấp giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định, cơ bản không có vướng mắc. Hơn nữa, giấy khai sinh và giấy đăng ký kết hôn có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc đời của mỗi người. Bên cạnh đó, hiện có tới 70 thủ tục hành chính cần xuất trình giấy khai sinh nên không thể bỏ việc cấp giấy khai sinh.

Thứ hai, quyền được khai sinh là quyền dân sự của cá nhân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo đảm theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Trẻ có quyền căn cứ giấy khai sinh để đăng ký quốc tịch. Mặt khác, nếu cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, đến khi đủ 14 tuổi sẽ phải đổi thẻ căn cước, gây tốn kém cho ngân sách. Đặc biệt là việc cấp giấy khai sinh ở Việt Nam đã trở thành truyền thống. Ví như một trong những bằng chứng để chúng ta khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa là từ thời phong kiến đã cấp giấy khai sinh cho cư dân Việt Nam sinh ra ở Hoàng Sa.

Thứ ba, giấy khai sinh có giá trị toàn cầu. Nếu mang giấy khai sinh ra nước ngoài vẫn có giá trị quốc tế. Trong khi thẻ căn cước công dân không có giá trị toàn cầu, chỉ có giá trị trong nước và nó được xem là một loại giấy thông hành khi đi lại. Ngoài ra, căn cước công dân cũng không thể hiện được nhận dạng của trẻ trước khi đủ 14 tuổi. Đó là chưa kể việc cấp căn cước cho trẻ từ khi sinh rồi rồi đến 14 tuổi lại phải đổi lại sẽ gây ra phiền phức không cần thiết cho xã hội và Nhà nước. Vì sản xuất ra một thẻ căn cước công dân tốn kém, phiền hà hơn giấy khai sinh rất nhiều.

Từ những phân tích trên đây, tôi đề nghị trong dự thảo Luật Hộ tịch cần có quy định rõ về việc tiếp tục duy trì việc cấp giấy khai sinh. Còn việc cấp căn cước công dân chỉ được thực hiện khi trẻ đủ 14 tuổi như quy định trong dự thảo Luật Căn cước công dân.

Vĩnh Hòa

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu