Thứ 6, 26/04/2024 10:01:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:58, 14/01/2016 GMT+7

Không thể né tránh sự thật

Thứ 5, 14/01/2016 | 14:58:00 126 lượt xem
BP - Chánh văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chính thức trả lời công luận về thông tin Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ea Kar bị tố “mua dâm”. Ông Trần Duy Tuấn, Chánh văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết chuyện đó là có thật và ông Nguyễn Văn Bằng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, được điều động về tòa tỉnh là để... nhìn lại sai sót của mình. Vụ việc khiến dư luận khu vực Tây Nguyên cũng như trong cả nước đặc biệt quan tâm 3 ngày qua.

Trước đó, ông Triệu Đức Nhật, SN 1960, trú thôn Trung Hòa, xã Ea Tý, huyện Ea Kar làm đơn tố cáo ông Bằng từ năm 2008-2011 nhiều lần vào nhà nghỉ do vợ ông Nhật làm chủ để mua dâm và một trong những lần đó vợ ông Nhật đã quay lại clip dài 35 phút. Năm 2011, vợ ông Nhật bị bắt và bị xử phạt 5 năm tù về tội chứa mại dâm. Vì vụ án này, ông Nhật đã bán nhà nghỉ và bỏ ra 200 triệu đồng để “chạy án” cho vợ. Tuy nhiên, vợ vẫn không thoát tội nên ông Nhật nhiều lần đi đòi lại số tiền chạy án, trong đó có đòi cả ông Bằng nhưng không được. Gần đây, một lần dọn nhà, ông Nhật tìm thấy clip mua dâm của vị chánh án nên đã làm đơn tố cáo và vụ việc bị vỡ lở.

Chắc chắn xung quanh vụ việc này còn nhiều vấn đề cần giải quyết và không thể giấu giếm bởi đã được công luận phản ánh, đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng công khai trả lời, xác nhận. Đó là chuyện ở Đắk Lắk. Còn ở Bình Phước?

Chiều 31-5-2014, một nữ kế toán 29 tuổi, chưa lập gia đình và thẩm phán Mai Danh Hòa, đã có vợ con, đều công tác tại Tòa án nhân dân thị xã Phước Long, cùng vào thuê phòng khách sạn tại phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài để “tâm sự”. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, do mâu thuẫn với nhau nên ông Hòa rời khỏi khách sạn. Sáng hôm sau, nhân viên tiếp tân phát hiện nữ kế toán này đã treo cổ tự tử ngay trong phòng khách sạn. Vụ việc được Báo Bình Phước và nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Đại diện cơ quan điều tra trả lời báo chí về vụ việc cho biết, ông Hòa và nữ kế toán đã có “quan hệ tình cảm” từ nhiều năm trước.

Những tưởng sau khi vụ việc xảy ra, ông Hòa không chỉ phải nhận “bản án lương tâm” trước cái chết đau đớn của một phụ nữ trẻ, mà còn phải nhận hình thức kỷ luật thích đáng về hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Thậm chí, với những gì đã diễn ra, ông Hòa không thể “Nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để xét xử bất kỳ ai được nữa... Thế nhưng, vụ việc đã bị “chìm xuồng”. Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước không có bất kỳ thông tin chính thức nào về vụ việc. Và rồi, rất âm thầm, lặng lẽ, ông Hòa chuyển công tác về làm thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Lộc Ninh...

Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc vốn “nổi tiếng” nhưng rồi bị cho vào quên lãng trong đội ngũ những người “Nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ở Bình Phước. Phía sau những câu chuyện này là gì và vì sao nó có thể “chìm xuồng” được như thế, có lẽ không chỉ lãnh đạo ngành tòa án, cán bộ công tác trong ngành tòa án, trong khối các cơ quan tư pháp Bình Phước mà nhân dân cả nước đều có thể hiểu được.

“Về tòa tỉnh để nhìn lại sai sót của mình” - là hình thức xử lý quá nhẹ đối với ông Bằng. Nhưng ít nhất Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk còn dám đối diện với sự thật, đối diện với quyết định của mình. Còn với Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước? Xem ra điều đó là... quá xa xỉ!

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu