Thứ 7, 27/04/2024 05:55:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:57, 18/01/2019 GMT+7

Không để người dân mất niềm tin

Thứ 6, 18/01/2019 | 08:57:00 181 lượt xem
BP - Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2019, ngày 15-1, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nếu để người dân mất niềm tin vào vắc-xin thì sẽ có hậu quả nghiêm trọng”. Đây không chỉ là lời nhắc nhở mà còn là mệnh lệnh của Chính phủ đối với ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

Một trong những sự kiện “nóng” của ngành y tế năm 2018 là Việt Nam phải thay thế vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng bằng vắc-xin ComBe Five, do nhà sản xuất ngừng cung cấp. Đây là vắc-xin của Ấn Độ sản xuất có thành phần tương tự vắc-xin Quinvaxem và cũng phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Trong quá trình thực hiện tiêm chủng trên địa bàn cả nước đã xuất hiện hiện tượng phản ứng thuốc. Nhiều trẻ phải nhập viện sau tiêm chủng có biểu hiện tím tái. Thậm chí có trường hợp trẻ tử vong tại nhà sau tiêm chủng từ 36-48 tiếng đồng hồ, mặc dù sau tiêm đã được theo dõi 30 phút tại cơ sở y tế đúng quy định và không có biểu hiện bất thường. Tình trạng này đã khiến không ít bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng và cho rằng chất lượng vắc-xin không bảo đảm nên không cho con tiêm phòng.

Năm 2018, mặc dù chưa triển khai tiêm chủng vắc- xin ComBe Five trên địa bàn tỉnh, nhưng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi cũng chỉ đạt 95%. Ngoài những nguyên nhân chủ quan và khách quan, như địa bàn rộng, đi lại khó khăn, số cán bộ y tế biên chế chưa đủ so với quy định; chỉ tiêu giao cao hơn so với tình hình thực tế; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao; một số trẻ đến ngày tiêm bị bệnh, số khác do cha mẹ làm công nhân, gửi con cho ông bà trông nên quên lịch tiêm... thì yếu tố tác động mạnh nhất vẫn là do các bậc cha mẹ e ngại chất lượng vắc-xin không bảo đảm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con em mình khi biết được thông tin về những trường hợp không may mắn sau tiêm chủng.

Trên thế giới hiện có 6 vắc-xin có thành phần phòng chống các bệnh nêu trên đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó chỉ vắc-xin ComBe Five có đủ 3 điều kiện: Đạt tiền thẩm định của WHO, được UNICEF lựa chọn và có đăng ký tại Việt Nam. Theo các chuyên gia y tế, tất cả vắc-xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều an toàn và hiệu quả, nhưng không thể khẳng định vắc-xin nào tuyệt đối an toàn và không xảy ra phản ứng sau tiêm chủng. Còn báo cáo của Bộ Y tế cho hay, đến hết năm 2018 có gần 70.000 trẻ được tiêm chủng vắc-xin ComBe Five, ngoài phản ứng thông thường, ngành cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05-5,5% và đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị. Do đó, bộ tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện tiêm vắc-xin ComBe Five theo kế hoạch, bảo đảm đúng quy trình tiêm chủng an toàn.

Trước nguy cơ trẻ không được tiêm chủng đầy đủ thì việc giải quyết hậu quả do trẻ bị mắc các bệnh truyền nhiễm sau này sẽ lớn hơn rất nhiều lần, ngoài việc siết chặt quy trình tiêm chủng; nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc tư vấn, hướng dẫn cha mẹ trẻ trước và sau tiêm vắc-xin để hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến không đáng có, ngành y tế cần quản lý chặt đối tượng và huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị vận động đối tượng tiêm chủng đầy đủ, nhất là các mũi miễn phí thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu