Thứ 7, 27/04/2024 06:00:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:28, 04/10/2017 GMT+7

Không chỉ vì mục tiêu tinh giản biên chế

Thứ 4, 04/10/2017 | 14:28:00 82 lượt xem

BP - Tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X diễn ra ngày 3-10, Bí thư Thị ủy 2 thị xã Phước Long và Bình Long cùng đặt vấn đề một số cơ quan, ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau, như kiểm tra với thanh tra, tổ chức với nội vụ... vì thế, thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tinh giản biên chế, Bình Phước nên chăng sớm thí điểm triển khai việc hợp nhất một số chức danh, nhiệm vụ của các cơ quan này ở cấp huyện. Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cũng chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẩn trương tham mưu thực hiện đề án tinh giản biên chế, đề án thí điểm nhất thể hóa một số chức danh trưởng đầu ngành cấp huyện.

Mỗi lần bàn về công tác cán bộ, không chỉ ở hội nghị, cuộc họp cấp tỉnh, mà các cấp khác như cấp huyện, cấp xã và cả cấp trung ương, thời gian qua vấn đề hợp nhất chức năng nhiệm vụ, nhất thể hóa một số chức danh là một trong những vấn đề quan trọng được quan tâm nhất. Vì sao vấn đề này lại trở nên “nóng” như vậy?

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phần “Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị” đã xác định phải “tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị... Trên cơ sở đó, tinh giản số cán bộ được hưởng lương và phụ cấp”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân là do “tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả”...

Có thể thấy, Trung ương Đảng đã đánh giá, nhìn nhận rất rõ, đồng thời cũng định hướng giải quyết vấn đề này, cụ thể là thực hiện kiêm nhiệm chức danh, tinh giản biên chế, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ... Trong thực tế, một số địa phương đã tiên phong thực hiện thí điểm chủ trương này. Tiêu biểu như tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cấp huyện tại 2/14 đơn vị toàn tỉnh; trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch UBMTTQVN tại 11/14 đơn vị cấp huyện; trưởng hoặc phó ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị tại 13/14 đơn vị; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra, trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ tại 8/14 đơn vị cấp huyện; cấp xã thí điểm 76/186 đơn vị bí thư kiêm chủ tịch UBND... Tại Bình Phước, tỉnh cũng thí điểm việc nhất thể hóa cán bộ, nhưng chỉ ở phạm vi hẹp và dừng ở cấp xã, cụ thể thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 2 xã và 1 thị trấn.

Tại Quảng Ninh, sau một thời gian triển khai, tháng 3-2017, đoàn giám sát cải cách bộ máy hành chính của Quốc hội về làm việc và đánh giá rất cao hiệu quả của thí điểm. Từ thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định còn gợi ý Quảng Ninh thí điểm thực hiện khoán lãnh đạo, ví dụ được giao 20 giám đốc sở, tỉnh tổ chức như thế nào tùy theo tình hình của tỉnh.

Có thể thấy, đến nay không ít cán bộ, đảng viên cho rằng việc tinh giản biên chế là yêu cầu bức thiết nhằm giảm áp lực ngân sách, đặc biệt là đối với những trường hợp năng lực kém, lười lao động hoặc chỉ bám vào nhà nước để “chân trong chân ngoài”... Điều đó đúng, nhưng chưa đủ và chưa toàn diện. Hợp nhất, nhất thể hóa hay một cụm từ nào tương tự, không chỉ vì mục tiêu tinh giản biên chế, mà quan trọng là hiệu quả hoạt động, là làm thế nào để không còn “nhức mắt”, “nhức tai” khi nói về những bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu