Thứ 7, 27/04/2024 09:40:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:37, 15/09/2016 GMT+7

Khoảng cách giữa doanh nghiệp và người lao động

Trần Phương
Thứ 5, 15/09/2016 | 07:37:00 105 lượt xem

BP - Phiên giao dịch việc làm lần thứ 3 trong năm 2016 do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức tại huyện Hớn Quản ngày 11-9 có 13 doanh nghiệp, trường nghề tham gia, với tổng nhu cầu tuyển dụng 2.221 lao động. Tham gia giao dịch có 500 thanh niên và kết quả có 24 trường hợp được giới thiệu việc làm (Báo Bình Phước số ra ngày 12-9-2016).

>> 24 người được giới thiệu việc làm

Trước đó, tại khuôn viên trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm, phiên giao dịch lần thứ 1 trong năm nay diễn ra ngày 22-3, có 21 doanh nghiệp, trường nghề với nhu cầu tuyển dụng 8.005 lao động, có 1.100 lao động tham gia và kết quả có 47 lao động được tuyển dụng. Phiên giao dịch việc làm lần thứ 2 trong năm 2016 diễn ra ngày 18-6 tổ chức tại khuôn viên Trường cao đẳng Công nghiệp cao su có 13 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng 1.902 lao động, có 650 lao động tham gia và kết quả 25 lao động được tuyển dụng.

Có thể thấy, về lý thuyết, sàn giao dịch việc làm là hoạt động rất hữu ích. Đó là nơi nhà tuyển dụng gặp gỡ trực tiếp để tìm hiểu về người lao động, đồng thời người lao động trực tiếp được tư vấn, giải đáp những câu hỏi đặt ra trước khi nộp hồ sơ xin việc vào một doanh nghiệp. Không sai khi nói rằng sàn giao dịch việc làm tạo nên lợi ích kép, chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động trước khi họ chính thức “thuộc về nhau”.

Thực tế, qua 3 lần tổ chức sàn giao dịch việc làm trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh, tổng cộng có 47 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng 12.128 lao động, trong khi chỉ có 2.250 lượt lao động tham gia giao dịch và kết quả chỉ vẻn vẹn 96 người được tuyển dụng. Những con số này cho thấy nhiều vấn đề. Trong bài viết này xin được đề cập đến 2 vấn đề.

Thứ nhất, những con số đã nói lên hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm ở mức nào. Xin được nói rõ thêm, để có một phiên giao dịch việc làm với hàng ngàn người tham gia, từ đơn vị tổ chức đến doanh nghiệp tuyển dụng phải đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ và hàng trăm cán bộ tham gia. Với công lao động tối thiểu 100 ngàn đồng/ngày, nếu tính cho 2.250 lượt lao động, 3 buổi giao dịch đã ngốn mất 2,25 tỷ đồng vô hình.

Thứ hai, con số tổng hợp từ 3 lần tổ chức giao dịch cho thấy các doanh nghiệp đang rất cần lao động, trong khi người lao động lại không mặn mà tham gia giao dịch (chỉ bằng 18,55% so với nhu cầu tuyển dụng), đặc biệt là kết quả chỉ có 0,79% trường hợp tìm thấy “điểm chung” giữa người lao động và doanh nghiệp. Có thể thấy, ở tất cả các góc độ, khoảng cách giữa doanh nghiệp và người lao động đang quá xa. Bên cạnh yếu tố doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn thu hút nhiều lao động đến tìm kiếm việc làm, những con số nêu trên còn nói lên hoạt động đào tạo lao động hiện nay không theo sát thực tế, không nắm bắt, đón đầu được nhu cầu của doanh nghiệp. Lao động được đào tạo nghề vừa thiếu, vừa không sát thực tế, nên tại các phiên giao dịch doanh nghiệp rất khó tìm được nhân lực cần tuyển; đồng thời hầu hết người lao động phải rời phiên giao dịch mà không tìm được việc làm. Đây là một trong những hình ảnh minh họa sinh động nhất cho câu chuyện “thừa thầy thiếu thợ” trong đào tạo và cơ cấu lao động của nước ta đã được nói đến rất nhiều trong thời gian qua. Hy vọng trong thời gian sớm nhất có thể, ngành giáo dục - đào tạo và toàn xã hội có bước đổi thay mạnh mẽ để những hình ảnh này không còn nữa!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu