Thứ 7, 27/04/2024 07:11:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:55, 03/04/2013 GMT+7

Hiến pháp cần tăng quyền cho Quốc hội

Thứ 4, 03/04/2013 | 14:55:00 56 lượt xem

Tại Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: ...10. Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở khoản này cần được bổ sung cụm từ “của Đảng” vào trước cụm từ “của Quốc hội” ở phía cuối. Lý do của đề xuất này là tại Khoản 2, Điều 4 trong dự thảo đã có quy định: 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Trong khi đó, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Việt Nam và nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với các cơ quan nhà nước và cá nhân thực thi quyền lực nhà nước thông qua Hội đồng nhân dân ở địa phương và ở Trung ương là Quốc hội.

Xuất phát từ quan điểm trên, theo tôi thì ở Khoản 3 của Điều 79 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần được bổ sung từ “Đảng” vào trước cụm từ “Quốc hội” và ngay sau từ “Đảng” thêm dấu phẩy, đồng thời sau cụm từ “Quốc hội” có bổ sung dấu chấm phẩy. Tương tự, ở Khoản 4 của điều này cũng cần được bổ sung từ “Đảng” vào trước cụm từ “Quốc hội” và ngay sau từ “Đảng” cũng bổ sung dấu phẩy. Như vậy, Khoản 3 và Khoản 4 của Điều 79 được viết lại như sau: 3. Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; 4. Đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ...

Cũng ở Điều 75, tại Khoản 14 trong dự thảo có ghi: Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình, các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, thương mại quốc tế. Theo ý kiến của cá nhân tôi, ở khoản này cần được bổ sung cụm từ “và quyền chủ quyền” vào ngay sau cụm từ “chủ quyền”. Đồng thời bỏ dấu phẩy ngay sau cụm từ “quốc gia” và thay vào đó là dấu chấm phẩy. Vì chủ quyền và quyền chủ quyền của mỗi quốc gia là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Như vậy, Khoản 14 được viết lại như sau: Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình, các vấn đề liên quan đến chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, thương mại quốc tế.                                                

Tại Khoản 3, Điều 80 (sửa đổi, bổ sung Điều 94) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 3. Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc. Theo ý kiến của cá nhân tôi, việc quy định như vậy là chưa phù hợp, không đầy đủ và dễ dẫn đến nhưng sai lầm trong việc ban hành các chính sách về dân tộc, miền núi của Chính phủ. Bởi vì, nếu “Chủ tịch Hội đồng dân tộc” chỉ “được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc”, còn các phiên họp của Chính phủ bàn về “các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số” nếu “Chủ tịch Hội đồng dân tộc” không được mời thì làm sao biết được Chính phủ sẽ có chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở vùng này như thế nào để phối hợp thực hiện. Nếu như vậy thì các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ ở những vùng này chắc chắn sẽ khó đạt kết quả cao.

Vì vậy, theo tôi thì ở Khoản 3, Điều 80 cần được bổ sung cụm từ “các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số” vào ngay sau cụm từ “chính sách dân tộc”. Như vậy, Khoản 3, Điều 80 được viết lại như sau: 3. Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc.

Luật gia: Thanh Hải

  • Từ khóa
108194

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu