Thứ 6, 26/04/2024 07:42:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:27, 15/11/2014 GMT+7

Hạn chế rủi ro cho chấp hành viên

Thứ 7, 15/11/2014 | 09:27:00 261 lượt xem

BP - Trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có quy định cụ thể về trường hợp cưỡng chế thi hành án (THA) như sau: Khi cưỡng chế đối với tài sản của người phải THA mà có người khác tranh chấp thì chấp hành viên vẫn tiếp tục việc cưỡng chế (nhằm tránh tẩu tán tài sản) nhưng có trách nhiệm thông báo cho đương sự, người có tranh chấp khởi kiện yêu cầu tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết; nếu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì cho phép chấp hành viên được xử lý tài sản để THA nhằm tránh tình trạng người phải thi hành án câu kết với những người liên quan không thực hiện quyền khởi kiện dẫn đến việc thi hành án bế tắc, kéo dài, phát sinh khiếu nại, tố cáo gay gắt của người được THA.

Tuy nhiên, cơ chế này đã không đi đến cùng để bảo vệ chấp hành viên dẫn đến việc chính chấp hành viên bị người phải THA, người liên quan lợi dụng khiếu nại, tố cáo làm phát sinh tâm lý e ngại phải chịu kỷ luật, phải bồi thường do việc xử lý tài sản. Chính vì lý do này, để khắc phục tình trạng trên, Dự thảo Luật THA sửa đổi vừa được Bộ Tư pháp trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đã bổ sung một số quy định để hạn chế rủi ro trong quá trình tổ chức THA cho chấp hành viên. Cụ thể là về xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp, trong dự thảo nêu rõ: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì chấp hành viên xử lý tài sản để THA; trong trường hợp này, chấp hành viên không phải chịu trách nhiệm về việc đưa tài sản ra xử lý để THA.

Đồng thời, trong dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định cách thức xử lý trong trường hợp đương sự có đơn khởi kiện như sau: Đối với trường hợp đương sự đã có đơn khởi kiện yêu cầu tòa án, cơ quan có thẩm quyền nhưng không được thụ lý hoặc xem xét giải quyết thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự yêu cầu tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo quy định tại Điều 74a của luật này. Đối với trường hợp một trong các bên có đơn khởi kiện ra tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thì chấp hành viên xử lý tài sản đã kê biên theo quyết định của tòa án, cơ quan có thẩm quyền. Với quy định, dự thảo luật đã giao trách nhiệm cho tòa án trong việc quyết định quyền sở hữu, sử dụng tài sản sẽ giúp gắn kết chặt chẽ giai đoạn xét xử và THA, tạo căn cứ pháp lý vững chắc cho chấp hành viên tổ chức THA đúng pháp luật.

Hai là, tại Điều 165 trong dự thảo có nội dung quy định về xử lý vi phạm, những vi phạm của chấp hành viên bị xử lý được quy định chặt chẽ và hợp lý hơn. Theo đó, việc không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc THA, áp dụng biện pháp cưỡng chế THA trái pháp luật chỉ bị xử lý với lỗi cố ý và hình thức xử lý (kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự) phải tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Mặt khác, dự thảo luật cũng đã sửa Khoản 4, Điều 165 theo hướng bỏ nội dung “vi phạm quy chế đạo đức của chấp hành viên” vì đây không phải là quy phạm pháp luật để áp dụng trong việc xử lý vi phạm.

Với những quy định cụ thể, rõ ràng như trong dự thảo nêu trên, chắc chắn sẽ khắc phục được những bất cập trong quá trình THA thời gian tới; đồng thời sẽ giảm được lượng án cần phải thi hành nhưng còn tồn quá nhiều như hiện nay.

Kim Ngọc

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu