Thứ 7, 27/04/2024 08:38:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:13, 13/01/2015 GMT+7

Dư luận đồng tình

Thứ 3, 13/01/2015 | 07:13:00 100 lượt xem
BP - Để giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn một cách bền vững, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi Ủy ban MTTQ thành phố; các sở, ngành; các tổ chức, đoàn thể và UBND các quận, huyện về việc tăng cường quản lý người lang thang xin ăn, không nơi cư trú trên địa bàn từ nay đến tết Nguyên đán Ất Mùi và những ngày lễ trọng đại trong năm 2015.

Cũng theo UBND thành phố, gần đây xuất hiện những kẻ xin ăn giả dạng người cao tuổi bán tăm bông, tu sĩ khất thực, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật lê lết trên đường phố... để xin tiền, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố. Vì vậy, việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, không nơi cư trú được xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý xã hội trên địa bàn. Theo đó, kể từ ngày 28-12-2014, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội. Người dân có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo trợ xã hội), số điện thoại: 38.292491 (giờ hành chính) hoặc 0903.959929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội: 35.533258 (24/24 giờ), khi phát hiện người xin ăn. Cơ quan chức năng sẽ có chế độ hỗ trợ cho người báo tin.

Đồng thời, UBND thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác thông tin, vận động người dân không cho tiền trực tiếp những người lang thang xin ăn; vận động người dân có lòng hảo tâm giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, người cao tuổi không nơi nương tựa... đóng góp hỗ trợ thông qua các tổ chức đoàn thể, các tổ chức từ thiện xã hội.

Ban Tôn giáo thành phố được yêu cầu làm việc và đề nghị các tổ chức tôn giáo (Thành hội Phật giáo, Tòa tổng Giám mục thành phố...) phối hợp thực hiện chủ trương giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng; phổ biến đến giáo dân, phật tử, người có đạo đồng thuận với chủ trương của thành phố là “không cho tiền người xin ăn”. Đồng thời, UBND thành phố cũng đề nghị Thành hội Phật giáo có văn bản hướng dẫn không để tu sĩ đi khất thực, tránh tình trạng giả danh tu sĩ xin ăn (khất thực) lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền. Phối hợp chính quyền địa phương tập trung người xin ăn trong khuôn viên đền, chùa, nơi tổ chức hoạt động tôn giáo.

Trước hết, đây là một chủ trương đúng, một cách làm hay và được dư luận xã hội đồng tình, vì trong việc này có sự chỉ đạo chặt chẽ, rõ ràng về địa chỉ cũng như trách nhiệm cụ thể của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, tôn giáo trong việc quản lý những người xin ăn. Và điều mà ai ai cũng thấy là không phải chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là ở những nơi du lịch tâm linh, di tích lịch sử có nhiều du khách... thì ở đó người xin ăn nhiều vô kể. Thậm chí có không ít người còn cố tình gây thương tích hoặc bị bệnh nặng nhằm đánh vào lòng thương hại của du khách để xin tiền. Chưa hết, lại có nơi người xin ăn chèo kéo, nài nỉ du khách trong nước, người nước ngoài... và những hình ảnh này không những gây mất mỹ quan chốn tâm linh mà còn làm xấu đi hình ảnh người dân Việt Nam - một dân tộc anh hùng.

Chính vì vậy, cách làm của UBND thành phố Hồ Chí Minh đáng để các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là những địa phương có nhiều di tích lịch sử, nhiều điểm du lịch tâm linh, lễ hội truyền thống... phải suy nghĩ. Vì với cách làm này, ngoài ý nghĩa như trên thì tiền công đức hay những khoản hỗ trợ, giúp đỡ của những người hảo tâm được gửi đến đúng địa chỉ, được sử dụng đúng mục đích vào việc chăm sóc người nghèo, người bệnh tật và trẻ mồ côi không nơi nương tựa.

Hòa Bình

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu