Thứ 7, 27/04/2024 08:17:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:55, 10/04/2013 GMT+7

Để tiết kiệm trở thành quốc sách

Thứ 4, 10/04/2013 | 09:55:00 83 lượt xem

• Tại Khoản 2, Điều 31 (sửa đổi, bổ sung Điều 74) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, quy định như vậy là chưa đủ, vì chưa đảm bảo được việc khuyến khích, động viên công dân tố cáo, tố giác hành vi tiêu cực và tội phạm, nhất là đối với những loại tội phạm nguy hiểm hoặc những đối tượng có hành vi tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể ở đây là chưa có chế tài quy định về trách nhiệm của cơ quan, cá nhân tiếp nhận và giải quyết tố cáo, tố giác của công dân trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của người tố cáo cũng như thân nhân của họ.

Vì vậy, tôi đề xuất ở Khoản 2 cần bổ sung dấu chấm phẩy và nội dung “có trách nhiệm bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe của người tố cáo, khiếu nại và người thân của họ vào sau cụm từ “giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Như vậy, nội dung của Khoản 2 được viết lại như sau: 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo; “có trách nhiệm bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe của người tố cáo, khiếu nại và người thân của họ. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

• Một trong những điều có nội dung hoàn toàn mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Điều 59. Tại Khoản 1, Điều 59 có ghi như sau: 1. Ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính Nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, quy định như vậy là hoàn toàn đúng, nhưng vẫn còn thiếu, đặc biệt là trong tình hình thực tế của nước ta hiện nay. Vì đất nước ta vẫn còn nghèo, nguồn tài chính còn hạn hẹp, trong khi đó ở nhiều địa phương, đơn vị còn sử dụng một cách lãng phí.

Để tạo được ý thức sử dụng tài chính thì trong Hiến pháp cần hiến định việc tiết kiệm là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, mọi cấp, mọi ngành. Có như vậy thì tiết kiệm mới thực sự là quốc sách. Do đó, trong Khoản 1, Điều 59 cần được bổ sung cụm từ “tiết kiệm” sau cụm từ “sử dụng”. Như vậy, khoản này được viết lại như sau: 1. Ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Xuất phát từ quan điểm này, ở Khoản 2, Điều 68 (mới) cũng cần được sửa đổi, bổ sung. Do đó, ở Khoản 2, Điều 68 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được bổ sung cụm từ “tiết kiệm” vào sau cụm từ “sử dụng”. Như vậy, Khoản 2, Điều 68 được viết lại như sau: Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích.

• Điều 49 (sửa đổi, bổ sung Điều 79) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng. Theo tôi quy định như vậy là chưa đầy đủ, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo và tích cực của mỗi công dân trong việc thực thi Hiến pháp, pháp luật cũng như các quy tắc sinh hoạt công cộng và đạo đức truyền thống của dân tộc.

Vì vậy, tôi đề nghị bỏ cụm từ “chấp hành”, thay vào đó là cụm từ “trách nhiệm tuân thủ” vào ngay sau cụm từ “nghĩa vụ”, bổ sung cụm từ “tích cực” vào trước cụm từ “tham gia” và bỏ dấu chấm ở cuối câu để thay vào đó dấu chấm phẩy. Đồng thời, ở ngay sau dấu chấm phẩy bổ sung đoạn văn sau: “được làm những việc mà Hiến pháp, pháp luật không cấm và không trái với đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam”. Như vậy, Điều 49 sẽ được viết lại như sau: Công dân có nghĩa vụ, trách nhiệm chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng; được làm những việc mà Hiến pháp, pháp luật không cấm và không trái với đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Như Ngọc (Bù Đăng) 

  • Từ khóa
108199

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu