Thứ 6, 26/04/2024 14:53:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:26, 10/03/2015 GMT+7

Để Luật bảo hiểm xã hội sớm đi vào cuộc sống

Thứ 3, 10/03/2015 | 14:26:00 164 lượt xem
BP - Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20-11-2014 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016. So với Luật BHXH 2006, Luật BHXH 2014 đã có nhiều điểm mới.

Trong đó, chính sách mới nhất là mở rộng thêm đối tượng tham gia và phạm vi bao phủ BHXH. Cụ thể, từ năm 2016, lao động thời vụ, tham gia làm việc từ 1 tháng tới dưới 3 tháng cũng phải đóng BHXH. Theo ước tính có khoảng 9 triệu người lao động thuộc diện này. Đây cũng là nhóm lao động cơ bản đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN).

Bên cạnh đối tượng lao động bắt buộc, Luật BHXH cũng đưa ra chính sách khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng sẽ bằng 22% mức thu nhập/tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo các phương thức đóng là hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng. Mức thu nhập căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Trong Luật BHXH sửa đổi cũng đã quy định rõ về điều kiện hưởng lương hưu và đưa ra công thức để tính mức lương hưu. Theo đó, thời gian đóng BHXH đủ 15 năm thì được hưởng lương hưu 45%; và từ năm thứ 16 trở đi thì mỗi năm cộng thêm 2%.

Tuy nhiên, để Luật BHXH nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ LĐ-TB&XH cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn. Vì nhiều điều, khoản trong luật này mới chỉ là những quy định khung. Cụ thể, để việc thực thi Luật BHXH có hiệu quả thì rất cần tăng cường sự tuân thủ tham gia BHXH ở nhóm phải tham gia BHXH bắt buộc. Vì hiện nay, mức độ bảo hiểm bắt buộc chỉ đạt từ 60-70%. Bên cạnh đó, việc kêu gọi người lao động khu vực lao động đóng BHXH tự nguyện tham gia bảo hiểm sẽ vô cùng gian nan. Do đó, đòi hỏi Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phải quyết liệt, phối hợp với nhau tạo cho người lao động sự an tâm, đảm bảo khi đóng BHXH. Cần tăng cường sự tuân thủ tham gia BHXH ở nhóm phải tham gia BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, luật quy định mức đóng BHXH của cán bộ, công viên chức, lực lượng vũ trang bằng với người lao động làm việc ở khu vực tư nhân bên ngoài sẽ không công bằng. Bởi mức lương của người lao động không qua đào tạo ở các doanh nghiệp cũng đã cao hơn lương công chức được đào tạo ở bậc đại học. Để tháo gỡ vấn đề này còn phụ thuộc vào chính sách tiền lương đối với cán bộ, công nhân viên chức. Hiện lương công nhân viên chức quá thấp nên tạo ra khoảng cách xa về mức thu nhập giữa người lao động trong xã hội.

Một bất cập nữa là hiện nay rất khó thống kê số lượng người lao động bắt buộc phải đóng BHXH. Nay lại thêm người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng sẽ càng tạo thêm áp lực cho các cơ quan BHXH. Việc nắm bắt và quản lý người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1-3 tháng sẽ phức tạp. Tiếp đó là tình trạng nợ đọng tiền BHXH cũng rất phức tạp. Đến hết năm 2014, cả nước còn 5.500 tỷ đồng BHXH phải thu. Đó là chưa nói đến ý thức chấp hành của doanh nghiệp về nghĩa vụ đóng BHXH. Trong khi đó, ở nước ta hiện nay chưa có cơ quan, đơn vị nào đảm nhiệm vai trò làm đầu mối để quản lý, nắm bắt được số liệu về doanh nghiệp, số lao động cũng như biến động về lao động thuộc diện tham gia BHXH. Và nếu không thực hiện được điều đó thì công tác thu, phát triển thêm đối tượng tham gia BHXH sẽ gặp nhiều khó khăn.

Một rào cản nữa cho việc thực thi Luật BHXH là làm sao thuyết phục được người lao động thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHXH. Và một khi người lao động tin tưởng vào chính sách BHXH, an tâm về các khoản họ đóng góp thì Luật BHXH mới thực sự đi vào cuộc sống.

Vĩnh Hòa

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu