Thứ 6, 26/04/2024 09:22:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:11, 11/10/2017 GMT+7

Để công an hoạt động đúng chuẩn mực

Thứ 4, 11/10/2017 | 08:11:00 111 lượt xem
BP - Từ ngày 6-10-2017, Thông tư số 27/2017/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực thi hành. Đây là văn bản quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an nhân dân. Trong tổng số 16 điều của thông tư, thì đã có 10 điều liên quan đến nội dung ứng xử, bao quát toàn bộ nội dung hoạt động của người chiến sĩ công an.

Thời gian vừa qua, trong ngành đã có những “con sâu” làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của lực lượng công an. Một số cán bộ, chiến sĩ công an thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để uy hiếp người dân, xem người dân là công cụ hỗ trợ và khai thác tối đa những lợi ích kinh tế. Không ít hình ảnh gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, ví như việc cán bộ công an dùng nhục hình gây chết người ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên); cảnh sát khu vực Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội), nhổ nước bọt vào mặt dân. Một số cảnh sát giao thông “làm luật” mãi lộ, ăn tiền của tài xế mà báo chí đã nêu... Và mới đây nhất là việc Trưởng công an xã Quảng Điền, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) có hành vi đá bay vật dụng của người dân. Mặc dù đây chỉ là số ít, cá biệt nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người công an trong lòng dân chúng. Thông tư số 27 ra đời nhằm kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ ngành công an. Văn bản pháp luật này đã được xã hội đón nhận với niềm tin và trông chờ hiệu quả của nó trong đời sống.

Theo quy định tại Thông tư số 27, công an không được có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc. Công an giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải quyết công việc với người già yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai. Trong ứng xử với người vi phạm pháp luật, công an phải thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành công an. Khi tiếp xúc với người vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực, không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối với người vi phạm; không lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án dẫn đến bỏ lọt, oan, sai hoặc nhằm mục đích khác. Về ứng xử, giao tiếp qua điện thoại và phương tiện điện tử khác, cán bộ, chiến sĩ công an phải xưng tên, chức danh, đơn vị công tác, nội dung trao đổi đầy đủ, rõ ràng; ngôn ngữ giao tiếp văn minh, lịch sự, ngắn gọn, dễ hiểu; không trao đổi nội dung bí mật qua điện thoại...

Với những quy định đã nêu, việc đẩy mạnh thực thi thông tư sẽ đưa hoạt động của cán bộ, chiến sĩ ngành công an vào đúng chuẩn mực. Người dân ở tất cả địa phương luôn rất cần những chiến sĩ công an chân chính, bảo vệ họ trong cuộc sống hằng ngày. Đó cũng là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ và toàn ngành công an. Thực hiện đầy đủ những quy định trong thông tư, cùng với 6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề và 10 điều kỷ luật, chính là hoàn thành trọn vẹn câu khẩu hiệu mà cán bộ, chiến sĩ ngành công an nhân dân đã nằm lòng: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu