Thứ 7, 27/04/2024 04:38:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:31, 17/07/2013 GMT+7

Đảng lãnh đạo toàn diện lực lượng vũ trang nhân dân

Thứ 4, 17/07/2013 | 09:31:00 67 lượt xem

* Điều 5 (sửa đổi, bổ sung Điều 5) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 4 khoản, trong đó khoản 3 có nội dung như sau: ...3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên là đúng, nhưng chưa chặt chẽ, không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay ở nước ta. Ai cũng biết, Việt Nam là một quốc gia có đa dân tộc (54 dân tộc anh em) và mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa khác nhau. Nhiều dân tộc có chữ viết và tiếng nói cũng khác nhau. Thực tế cho thấy là có phong tục, tập quán và cả truyền thống được người dân tộc này cho là đẹp, là hay; với dân tộc khác thì chưa hẳn đã là vậy.

Mặt khác, không để lợi dụng cái gọi là “phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp” theo quan điểm hẹp hòi dân tộc để gây hậu quả xấu cho cả xã hội, cho cộng đồng 54 dân tộc anh em. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thế nào là sự “tiến bộ”“tốt đẹp” đối với mỗi phong tục, tập quán hay truyền thống, để tránh ảnh hưởng đến truyền thống chung của cả dân tộc Việt Nam. Vì vậy, ở đây tôi đề xuất cần thiết phải bổ sung cụm từ “không trái với quy định của pháp luật” vào đoạn cuối của khoản này. Và đây cũng là chế tài nhằm tránh sự lạm dụng phong tục, tập quán không phù hợp với cộng đồng. Như vậy, khoản này được viết lại như sau: 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình không trái với quy định của pháp luật.

* Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung quy định về những nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Theo đó, Khoản 9, điều này có quy định như sau: 9. Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật;... Theo tôi, quy định như trên là đúng nhưng chưa đầy đủ. Vì thực tế cho thấy, Quốc hội đã nhiều lần thực hiện việc tách, sáp nhập bộ, ngành và chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh để thành lập một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh. Thế nhưng, trong dự thảo không đề cập tới việc sáp nhập bộ hay cơ quan ngang bộ hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể là mới đây, Quốc hội đã thực hiện việc sáp nhập tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội.

Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “sáp nhập bộ” vào ngay sau cụm từ “bãi bỏ bộ”; đồng thời bổ sung từ “sáp” vào ngay trước từ “nhập”. Như vậy, Khoản 9, Điều 75 được viết lại như sau: 9. Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, sáp nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật;...

* Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp  quy định như sau: Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Theo tôi, quy định như trên là hoàn toàn đúng, nhưng chưa đầy đủ. Đúng là vì các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và chính đảng lãnh đạo mình. Tuy nhiên, việc sắp xếp thứ tự yếu tố mà các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành là chưa phù hợp. Cụ thể, Tổ quốc phải là trước hết và trên hết, sau đó là nhân dân. Vì Đảng ta cũng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ và không thể đứng trên hay trước Tổ quốc, nhân dân.

Cũng về việc sắp xếp thứ tự này, Điều 45 của Hiến pháp hiện hành có ghi: Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân,... Theo tôi, việc sắp xếp thứ tự như Hiến pháp hiện hành là đúng, nhưng lại thiếu yếu tố quan trọng và có vai trò quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng ở nước ta, mà lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều chưa đầy đủ là vì chưa nói đến vai trò và vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Vì thế, tôi đề xuất Điều 70 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được bổ sung cụm từ “chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam” vào ngay sau cụm từ “Lực lượng vũ trang nhân dân”. Như vậy, Điều 70 sẽ được viết lại như sau: Lực lượng vũ trang nhân dân phải chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng; có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Văn Minh (TX. Bình Long)

  • Từ khóa
108231

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu