Thứ 6, 26/04/2024 18:47:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:38, 20/08/2016 GMT+7

Cán bộ thôn gương mẫu và biết làm giàu

Thứ 7, 20/08/2016 | 14:38:00 127 lượt xem
BP - Xã Thọ Sơn (Bù Đăng) có 43% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nên tình trạng cầm cố đất, bán điều non ở xã vẫn tồn tại. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều hộ đồng bào tự chủ sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định trên chính đất của gia đình. Điển hình là hộ anh Điểu Minh Día ở thôn Sơn Hòa 2 đã nỗ lực vươn lên, chịu khó học hỏi và trở thành hộ có kinh tế khá.

Khi lập gia đình, vợ chồng anh Día được ba mẹ hai bên cho ít đất sản xuất. Nhờ chịu khó học hỏi, chăm chỉ lao động, vợ chồng anh không những giữ nguyên tài sản cha mẹ cho mà còn phát triển ngày một lớn hơn. Hiện vợ chồng anh có 5 ha điều và 1 ha cà phê đang cho thu hoạch ổn định với mức thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. 

Anh Điểu Minh Día kiểm tra sâu bệnh trong vườn cà phêAnh Điểu Minh Día kiểm tra sâu bệnh trong vườn cà phê

Anh Día nói: Vườn điều ba mẹ cho trước đây được trồng bằng hạt cho năng suất thấp nên cuộc sống ban đầu của vợ chồng gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao năng suất vườn điều, tôi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người làm kinh tế giỏi; tham gia các lớp tập huấn của ngành khuyến nông hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc vườn điều, cách chọn phân bón phù hợp... để áp dụng vào sản xuất và thấy hiệu quả nâng lên rõ rệt.

Mỗi năm anh tỉa cành, chồi, tạo tán 3 lần. Chia làm nhiều đợt bón phân, phun thuốc giúp cây lấy lại sức để ra hoa, đậu trái và chống sâu bệnh cho mùa sau. Anh Día cho rằng: “Chăm sóc cây điều khó nhất là khâu loại bỏ cây tầm gửi vì không có thuốc nào diệt được, kế đến là sâu đục thân. Người trồng phải thường xuyên bám vườn, thấy cành điều nào bị sâu đục thân là xử lý triệt để nên tỷ lệ điều chết vì nấm hay sâu đục thân rất ít. Với cây cà phê, khó trị nhất là các loại rệp và bệnh thán thư. Nếu phát hiện kịp, kiên trì xử lý cây sẽ hết rệp và bệnh hại”.

3 năm trở lại đây, nhờ giá ổn định, lại được chăm sóc tốt nên 5 ha điều và 1 ha cà phê đạt năng suất cao, mang lại cho gia đình anh nguồn thu ổn định. Sau khi trừ chi phí, anh thu về gần 300 triệu đồng/năm.

Mặc dù thu nhập ổn định nhưng khi có người gọi đi làm thuê, vợ chồng anh Día vẫn nhận lời. Ngoài làm những phần việc được thuê, anh còn tư vấn chủ vườn cách tỉa cành, tạo tán, chọn thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng thời điểm của cây trồng. Từ sự tâm huyết, giúp đỡ và vốn kiến thức có được, người dân tin tưởng bầu anh làm Chi hội trưởng nông dân thôn Sơn Hòa 2. “Sơn Hòa 2 là thôn vùng sâu, xa, nông dân sống dựa vào vườn rẫy, lại chưa có điều kiện tiếp xúc với khoa học - kỹ thuật nhiều nên tôi tình nguyện chia sẻ những điều mình biết, giúp họ chăm sóc tốt vườn cây, có thu nhập ổn định. Từ đó, bà con yên tâm sản xuất trên chính mảnh vườn của mình, không còn tư tưởng bán điều non và hạn chế việc chuyển đổi cây trồng tự phát” - anh Día nói.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn đánh giá: Điểu Minh Día là Chi hội trưởng năng động, quan tâm đến hội viên, giúp phong trào hội ở thôn hoạt động tốt và kinh tế của các hội viên ngày càng ổn định.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
40620

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu