Chủ nhật, 05/05/2024 10:18:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 20:31, 25/04/2024 GMT+7

Dịch bệnh hoành hành trên cây điều

Hồng Phương
Thứ 5, 25/04/2024 | 20:31:52 1,197 lượt xem
BPO - Cành điều xuất hiện vết đen, sau đó khô cành, khô lá… và diễn biến nặng thì gây chết cây. Đó là hiện tượng đã và đang gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng điều trên địa bàn xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng trong thời gian gần đây.

Điêu đứng vì dịch bệnh

Dẫn chúng tôi đến khu vực có diện tích điều bị ảnh hưởng nặng nhất, ông Điểu Đình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn không khỏi xót xa trước hàng chục héc-ta điều đang dần khô lá giữa cái nắng như đổ lửa. 

Ông Điểu Đình cho biết: “Giai đoạn điều ra hoa, đậu trái non, các vườn điều trên địa bàn xã Phú Sơn nhìn rất đẹp, dự kiến vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, từ sau tết Nguyên đán đến nay, một số vườn điều tại các thôn Sơn Lang, Sơn Phú, Sơn Quý, Sơn Thành và Sơn Tân xuất hiện hiện tượng cháy lá, khô cành. Tổng diện tích bị ảnh hưởng ước khoảng 100 ha. Trong đó, thôn Sơn Tân bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 70 ha”.

Cán bộ Hội Nông dân xã Phú Sơn tìm hiểu dịch bệnh cháy lá điều tại thôn Sơn Tân

Dừng chân tại vườn điều xuất hiện dịch bệnh đầu tiên, chúng tôi gặp chủ vườn Ngô Đức Lam thì được biết loại dịch bệnh gây hại trên cây điều này từng xuất hiện tại xã. Tuy nhiên, những năm trước hiện tượng cháy lá chỉ lác đác vài cây, riêng năm nay nặng và lan rộng.

Ông Lam buồn bã: Sau khi khu vực này có trận mưa là bệnh bắt đầu xuất hiện. Ban đầu, những đọt non bị lem đen và khô dần. Cây càng non mức độ cháy càng mạnh, càng nhanh. Sau đó, dần lan rộng và cuối cùng dẫn đến tình trạng khô lá, khô cành, nặng thì gây chết cây. Vườn điều của gia đình tôi 7 ha 6 năm tuổi đều bị dịch bệnh “lướt” qua, thiệt hại vô cùng nặng nề. Chỉ tay về phía vườn điều trước mặt, ông Lam cho biết, vườn điều giáp ranh này cũng đang xuất hiện dịch bệnh nêu trên và hiện có chiều hướng lan rộng hết vườn.

Ông Ngô Đức Lam, xã Phú Sơn chia sẻ về biểu hiện cháy lá trên cây điều

Vườn điều già của gia đình chị Thị Cúc gần đó cũng bắt đầu xuất hiện dịch bệnh tương tự. Chị Thị Cúc cho hay: “Bệnh này ban đầu xuất hiện ở vườn nhà ông Lam, sau đó lan dần ra các vườn lân cận. Hiện các cây điều trong vườn nhà tôi đã xuất hiện bệnh. Chưa biết nguyên nhân gì nhưng tôi thấy bệnh đi theo hướng gió và lây lan rất nhanh. Cứ 2 ngày tôi vào kiểm tra thì thấy bị thêm cây mới”.

Trên địa bàn huyện Bù Đăng, tình trạng cây điều cháy lá, khô cành đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Hiện toàn huyện có gần 564 ha cây điều bị cháy lá, khô cành.

Cần giải pháp “cứu” cây

Điều là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Phú Sơn nói riêng và huyện Bù Đăng nói chung. Nông dân gắn bó với cây điều để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vụ điều năm 2024 không chỉ bị mất mùa, hàng loạt diện tích điều bị cháy lá, khô cành đã đưa người trồng điều xã Phú Sơn vào thế khó. 

Dịch bệnh cháy lá đang dần lan rộng, khiến không ít diện tích điều trên địa bàn xã Phú Sơn chết dần

Ông Lam chia sẻ: Tôi có 14 ha điều ở 2 thôn Sơn Tân và Sơn Quý. Năm nay, cả 2 vườn đều bị tình trạng bệnh tương tự. Ảnh hưởng nặng nhất vẫn là 7 ha điều ở thôn Sơn Tân, hiện không còn khả năng cứu vãn. Dù rất muốn gắn bó với cây điều nhưng năm nay tôi đành phải chuyển sang trồng cao su. Hy vọng dịch bệnh này sẽ không ảnh hưởng đến cây trồng mới để gia đình yên tâm phát triển kinh tế.

Chỉ tay về phía miếng đất trống bên cạnh, ông Lam xót xa: Mảnh đất này cách đây vài tháng còn màu xanh, đỏ của hoa và lá điều. Thế nhưng, khi vườn bị chết hàng loạt do dịch bệnh, gia đình họ đã phải cưa bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Hội Nông dân xã đã phối hợp UBND xã Phú Sơn khảo sát, thống kê diện tích điều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Song song đó, phối hợp chi hội nông dân các thôn tuyên truyền, nhắc nhở người dân thường xuyên theo dõi, kiểm tra vườn, phòng trừ các loại sâu bệnh, dịch hại trên cây điều. Tuy nhiên, việc tìm ra nguyên nhân cháy lá, khô cành và phương án khắc phục, vẫn đang trông chờ vào các ngành chức năng, mong sớm có giải pháp “cứu” các vườn điều. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ kịp thời để hội viên nông dân xã có thể giữ vững diện tích cây điều.

Ông ĐIỂU ĐÌNH, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn

Cắt bỏ cây điều sau nhiều năm gắn bó hiện là giải pháp nhiều hộ trồng điều trên địa bàn xã Phú Sơn lựa chọn. Tuy nhiên, người dân vẫn rất mong các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, cách chữa trị bệnh hại để tiếp tục gắn bó với cây điều.

“Hội Nông dân xã đã đến tìm hiểu tình trạng và báo cáo cấp trên, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nên chúng tôi cũng không biết cách chữa trị, ứng phó thế nào. Mong các ngành chức năng sớm có biện pháp “cứu” vườn điều của gia đình tôi cũng như toàn bộ diện tích điều bị ảnh hưởng trên địa bàn” - chị Thị Cúc bày tỏ.

  • Từ khóa
195190

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu